Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Độc đáo những món ăn chỉ có ở...Việt Nam

Sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ-tu ở Tây Giang nói riêng và ở các huyện miền núi trong tỉnh nói chung có rất nhiều món ăn hết sức đơn giản về cách chế biến nhưng rất đậm đà, ngon miệng và trở thành nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của đồng bào.
 
Món cháo mối của người Cơ Tu
Mùa bắt mối diễn ra từ tháng 3- 8 (âm lịch) hàng năm. Khi mối xuất hiện, bà con tranh thủ bắt mối đất để rang ăn chơi, hoặc rang xong giằm nước mắm hoặc giã với muối ăn với cơm hoặc nấu cháo (cláp p’chơ)… đều thơm ngon. Sau khi kết thúc cuộc bắt mối, người ta dùng nước sạch rửa mối nhẹ nhàng nhiều lần cho sạch và vớt ra một cái rá nhựa để cho ráo nước…

Mối đang bắt còn nguyên cánh mỏng, thân dài khoảng 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu, ngực và đầu nhỏ hơn. Món cháo mối ăn rất thơm ngon được chế biến như sau: Nấu cháo gạo hay sắn tươi chín, cho tiếp mối đã rang vào nồi, chờ sôi lại rồi nêm gia vị cho vừa ăn. Bát cháo mối với màu nâu của mối, màu trắng của cháo ăn có mùi thơm rất đặc trưng, bổ dưỡng... 


Không gì thú vị bằng khi được thưởng thức hương vị thơm lừng, beo béo và ngọt bùi… của món mối cánh rang, có thêm vài ly rượu tà vạt, rôm rả trò chuyện cùng với người già, lũ trẻ. Gương mặt của họ cũng hồng lên, lấp lánh bên bếp lửa hồng. 
Độc đáo những món ăn chỉ có ở...Việt NamẢnh minh họa. Nguồn: Internet
Đặc sản gỏi tà vạt
Cây tà vạt giống như cây dừa, người Kinh đặt tên là “dừa núi” hay còn gọi là cây đoác. Tên khoa học là Arrenga sacchariferasp, là loại cây thân to, lá thưa, rễ chùm và sống ở gần khe, hố. Lá cây tà vạt  còn dùng để lợp nhà, lợp chuồng gia súc… Cái đặc sắc thứ nhất của cây là làm rượu tà vạt. Người Cơtu gọi là buốh tavak (rượu tà vạt). Chỉ cần cho chất dịch từ buồng trái của cây tà vạt lên men với vỏ cây chuồn (apăng)  thì sẽ được loại rượu  rất thơm ngon. Rượu có vị ngọt, đắng nhẹ, khay khay… làm tê tê đầu lưỡi như “nhấp” sâm banh.

.
Cái đặc sắc thứ hai là phần cổ hũ (đọt non) của cây tà vạt, người Cơtu gọi là “lam tavak”. Người ta chọn những cây tà vạt mọc dày, không phát triển được, chặt lấy đọt, bóc ra lấy phần lõi non của cây. Cổ hũ tà vạt dùng để nướng, chiên, xào, làm gỏi hoặc nấu, kho với các loại thịt rừng hoặc tôm, cá rất thơm ngon. Trong mâm cơm cúng Yàng và các vị thần linh trong lễ ăn mừng lúa mới của người Cơtu ở Tây Giang thường có các món lam tà vạt. Thông thường, nhà trai mang quà đến nhà gái, thăm sui gia trong những ngày lễ, Tết của người Cơtu, họ thường mang lam tà vạt đến biếu và được xem là đặc sản của người Cơtu.

Bánh sừng trâu
Bánh sừng trâu của người Cơtu còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nữa như avị cuốt, bánh đốt v.v những cuối cùng cái tên tục “bánh sừng trâu” vẫn nghe gần gũi và tâm linh hơn cả.
Công đoạn làm bánh sừng trâu của người Cơtu cũng không khác là mấy so với người Kinh làm bánh chưng, bánh ú. Nếu Amế (mẹ) ở nhà xay, giả, giần, sàng những hạt nếp vàng proong (Là giống nếp có từ lâu đời được trồng phổ biến ở ruộng bâc thang xã Ga ri, Axan-Tây Giang-Quảng Nam) cho thật trắng thì các Ati(em gái) tranh thủ vào rừng chọn những chiếc lá đốt (Axơơh a tơơng) lành lặn, rộng bản để hái gùi về. Lá đốt lau sạch, xoay thành hình phễu, một tay kẹp giữ hai mếp lá, tay kia vốt một nắm nếp proong bỏ vào trong phểu lá đốt, nén chặt vừa phải, gấp mếp theo hình cái sừng trâu rồi dùng dây cột lại. Hai cái bánh đơn cột thành từng cặp. Sau đó tất cả đem ngâm vào nước khoảng 2 tiếng mới vớt ra bỏ vào nồi đổ ngập nước mà nấu. Theo lời Amế Alăng thi Blêu truyền kinh nghiệm : “Nấu bánh sừng trâu không được để lửa tắt nửa chừng, cũng không chụm già lửa quá mà chỉ để củi lửa ui ui cho đến khi bánh sừng trâu vừa chín” - khoảng 2,5 tiếng đồng hồ- bánh sẽ dẽo thơm và để được lâu mà không sợ thiu mốc.
Cái lạ, cái khác ở cách làm bánh sừng trâu của người Cơtu là họ không ngâm nếp trước rồi mới đem đi gói mà ngược lại gói rồi hẳng ngâm. Làm bánh sừng trâu không nên thêm một thứ nhân nhị gì cả, có lẽ vì thế mà có thể để bánh hằng tuần hay nữa tháng rồi mới đem ăn vẫn dẽo thơm như thường mà không hề thiu, ôi.
Lê Vy (Tổng hợp)
Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét