Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Về Lam Kinh thăm cố đô yên bình

KHÁNH VÂN –
Tour du lịch Thanh Hóa một ngày tự thiết kế của chúng tôi thay đổi vào giờ chót khi anh tài xế tư vấn: “Đến Thanh Hóa mà không về Lam Kinh là thiếu sót lớn”. Chớp nhoáng “hỏi thăm” anh Google, chỉ kịp thu thập thông tin Lam Kinh là kinh thành thứ hai của nhà Hậu Lê, là nơi yên nghỉ ngàn thu của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, cả nhóm nhanh chóng quyết định cố đô thẳng tiến.
550_IMG_1550Theo anh tài xế, người Thanh Hóa không ai nói “đến” Lam Kinh mà là “về” Lam Kinh, bởi trong tâm thức của họ Lam Kinh là quê nhà của không ít người dân xứ Thanh khi cách đây hơn 600 năm cụ tổ của vua Lê Lợi là Lê Hối thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà, hình thành một khu dân cư trù phú để sau đó trở thành căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nơi được cho là đã diễn ra Hội thề Lũng Nhai.
Sau khi chiến thắng giặc Minh và lên ngôi vua ở Đông Đô (Thăng Long), để tưởng nhớ quê hương tiên tổ, cũng là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vua Lê Thái Tổ đã đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh và cho xây dựng các công trình kiến trúc điện, miếu… để làm điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, nơi ở của quan lại và quân lính trông coi Lam Kinh và là nơi yên nghỉ ngàn thu của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê cùng một số quan lại.
Lam Kinh thuộc thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam – huyện Thọ Xuân, xã Kiên Thọ – huyện Ngọc Lặc, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 50 km. Nơi đây làm dịu lòng khách tham quan bởi không gian yên bình của khu rừng nguyên sinh tách biệt với sự ồn ào của cuộc sống bên ngoài. 600 năm trước, rừng được ví như “chiếc áo giáp” che chở cho nghĩa quân Lam Sơn. Giờ đây, thiên nhiên yên tĩnh như những người lính suốt đời lặng lẽ canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho các bậc đế vương và hoàng hậu triều Lê Sơ. Bước qua cầu Bạch bắc ngang sông Ngọc để vào khu trung tâm chính điện, vẻ đẹp cổ kính dẫu đã chịu sự tàn phá của thời gian vẫn cứ khiến lòng người lâng lâng những cảm xúc khó tả, như được trở về với cội nguồn tiên tổ, gần gũi và thân quen đến lạ.
550_IMG_1551
Lam Kinh vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nét đẹp của không gian Việt với cây đa, giếng nước, sân đình. Bên phải Ngọ môn có giếng cổ Lam Sơn với niên đại trên dưới 700 năm. Tương truyền giếng được đào đúng mạch nên nước lúc nào cũng trong và đầy. Nơi đây từng được xem là giếng làng, nơi cung cấp nước ăn uống cho hàng ngàn người dù độ sâu từ mặt nước xuống đáy giếng chỉ khoảng 4 m.
Từ đây có thể nhìn thấy cây đa thị hơn ba trăm tuổi xum xuê tỏa bóng mát bên trái sân rồng. Chỉ cái tên thôi đã nghe ngồ ngộ, nhưng khi đến gần, nhìn một cành thị khô được những cành đa ôm chặt, bất giác tất cả đều liên tưởng đến một tình yêu thủy chung mà cái chết vẫn không thể chia lìa. Những người am tường về mảnh đất này kể rằng, nơi đây từng có một cây thị lúc nào đến mùa cũng luôn nặng trĩu quả, quanh năm rộn rã tiếng chim. Có lẽ đàn chim thường đến đây đã làm rơi một hạt đa dưới gốc cây thị. Cây đa lớn nhanh xanh tốt, quấn quýt ôm chặt cây thị. Tình yêu đó ước chừng đã hơn ba trăm năm. Cây thị vẫn xanh tươi trong gốc đa, mùa nào lại cho quả nấy. Nhưng vào năm 2007, cây thị đã chết, chỉ còn lại một cành khô nằm giữa những cành đa.
Không chỉ có cây đa thị, ở Lam Kinh còn hơn mười cây cổ thụ được xem là cây di sản. Trong số đó, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến lạ kỳ khiến vùng đất này càng trở nên thiêng liêng hơn. Năm 2010 khi có quyết định phục dựng chính điện Lam Kinh, một cây lim khoảng 500-600 tuổi đột nhiên rụng lá và chết. UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định dùng chính cây lim này cho việc trùng tu chính điện. Cây lim được cưa xuống hoàn toàn đặc ruột từ gốc đến ngọn và có đường kính trùng khít với đường kính chân tảng cái của chính điện.
Hiện nay cùng với tòa nhà chính điện đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng, năm trong số chín tòa thái miếu cũng đã được phục dựng để du khách có thể dâng hương, mang dần sức sống trở lại cho cố đô tưởng chừng chỉ còn là phế tích suốt nhiều năm trước đó.
Một trong những điều được du khách chú ý ở Lam Kinh là hệ thống lăng, miếu và bia: lăng mộ vua Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng, lăng mộ vua Lê Thái Tông và bia Hựu Lăng, lăng mộ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) và bia Khôn Nguyên Chí Đức, lăng mộ vua Lê Thánh Tông và bia Chiêu Lăng, lăng mộ vua Lê Hiến Tông và bia Dụ Lăng, lăng mộ vua Lê Túc Tông và bia Kính Lăng. Các lăng mộ đều có lối kiến trúc riêng nhưng có điểm chung là giản dị.
Vĩnh Lăng – lăng vua Lê Thái Tổ được đặt trên một thế đất rất đẹp, phía trước là núi Chúa, phía sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế hổ phục long chầu. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và bốn cặp con giống bằng đá mang phong cách dân gian cách điệu gồm nghê, tê giác, ngựa, cọp có niên đại cách đây 582 năm. Nếu không được giới thiệu, có lẽ ít ai đoán được đôi cọp ở vị trí cuối cùng. Không uy nghi, không hung dữ như hình ảnh thường thấy của chúa sơn lâm, đôi cọp cách điệu ở lăng vua Lê Thái Tổ ngồi với tư thế khoan thai, hiền từ, thể hiện sự an lạc.
Đi dọc con đường rợp bóng cây, cách Vĩnh Lăng khoảng 300 m là bia Vĩnh Lăng, tấm bia vẫn còn khá nguyên vẹn ở tuổi 582. Cảm giác vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục các bậc tiền bối khi hình dung người xưa đã có thể mang được một khối đá trầm tích biển nặng gần hai mươi tấn về tận vùng đất này. Tấm bia cao 2,79 m, rộng 1,94 m, đặt trên lưng một con rùa lớn cũng làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối, có chiều dài 3,46 m, rộng 1,94 m, cao 0,9 m. Trên thân rùa còn lưu lại nhiều dấu vết hóa thạch của các loài nhuyễn thể sống trong nước biển như trai, sò, ốc…
Rùa ở bia Vĩnh Lăng có sáu móng, chiếc móng thứ sáu bị khuyết. Nhiều giả thuyết lý giải cho chiếc móng thứ sáu bị khuyết, trong đó có hai giả thuyết nổi trội gắn với giả thuyết nỏ thần và giả thuyết vua Lê Thái Tổ trị vì sáu năm nhưng có một năm chưa tròn. Nội dung văn bia cũng được xem là một thiên cổ hùng văn ghi lại thân thế sự nghiệp của Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi soạn và Văn Phỉ khắc bia. Với những dòng chữ điêu khắc tinh xảo, những hình ảnh rồng uốn lượn tượng trưng cho thiên tử trên thân bia, trong những chiếc lá đề, hoa văn hình sóng nước, bia Vĩnh Lăng không chỉ là một công trình điêu khắc đá có giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Sơ.
Chia tay Lam Kinh, bước trở ra trên sân rồng tôi chợt nghĩ một ngày mình sẽ quay trở lại đây đúng vào dịp lễ hội Lam Kinh (21 và 22-8 Âm lịch) để được cùng hòa trong dòng người xứ Thanh tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng giải phóng dân tộc và gửi lời nguyện ước cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no hạnh phúc.

Thăm lăng mộ vua Lê Thái Tổ

Lăng vua Lê Thái Tổ là một quần thể di tích đặc biệt lưu giữ dấu ấn quan trọng về đức Vua - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đập tan quân xâm lược nhà Minh và lập ra triều đại nhà Lê Sơ thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Nằm cách sân bay Thọ Xuân không xa, lăng vua Lê Thái Tổ (hay còn gọi là Vĩnh Lăng) thuộc quần thể di tích Lam Kinh, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Kiến trúc đơn giản và tôn nghiêm
Ngược dòng lịch sử các triều đại phong kiến, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi đất nước thái bình thịnh trị hoặc chiến tranh xảy ra thì việc xây dựng lăng mộ của các vị Vua luôn là vấn đề quan trọng đối với triều đại bởi vì ngoài chức năng là một nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị hoàng đế thì nó còn thể hiện sự tôn nghiêm của bậc quân vương và sự hưng thịnh của vương triều.
Do vậy, các bậc vua chúa đều chú trọng xây dựng lăng mộ cho mình ngay khi vừa mới lên ngôi với quy mô rất tráng lệ, uy nghi, lộng lẫy. Tuy nhiên, đối với vua Lê Thái Tổ, một vị Vua xuất thân áo vải thì lăng mộ hết sức giản dị.

Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ.
Về bố cục, điều đặc biệt nhất của Vĩnh Lăng là không xây thành lăng mộ giống như các lăng tẩm của vua chúa khác mà được xây dựng thành hình gần vuông, mỗi cạnh là 4,43m x 4,46m, cao 1m, xây bằng gạch vồn xếp khít mạch và không trát. Phía mặt trên lăng để cỏ mọc chứ không lợp thành mái. Phía trước của lăng, hai bên có quan hầu và bốn đôi tượng giống đối nhau. Theo thứ tự tính từ mộ ra, bên trái quan văn, bên phải quan võ, đến tượng nghê, ngựa, tê giác và hổ. Về hình thức, các bức tượng đều bằng đá và được chạm khắc mềm mại, đơn giản. Đến năm 1933, nhân dân địa phương cung tiến thêm 4 voi chầu đắp bằng gạch và vôi vữa.
Hòa hợp với thiên nhiên
Địa thế Vĩnh Lăng được xây dựng ngay phía sau cung điện Lam Kinh, trên một vùng đất rộng và cao ráo giống như hình mai rùa, phía trước có núi Chúa, phía sau có núi Dầu, hai bên đều có núi, đối diện có sông. Xung quanh lăng mộ là những loại cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi như sưa, đa, lim, đại, bồ đề, ổi…
Bố cục độc đáo, riêng có của Vĩnh Lăng thể hiện sự khiêm nhường, giản dị và hòa hợp với thiên nhiên của Hoàng đế Lê Thái Tổ. Đồng thời, dù rất đơn giản nhưng lại tôn nghiêm, tự nhiên và trang trọng.
Hiện tại, kiến trúc Vĩnh Lăng vẫn giữ được chọn vẹn vẻ đẹp cổ kính và nguyên bản. Quần thể Di tích Lam Kinh, trong đó có Vĩnh Lăng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Năm 2012, khu Di tích này tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đến thăm Vĩnh Lăng, chúng ta không khỏi bất ngờ bởi sự độc đáo trong kiến trúc lăng mộ mà quan trọng hơn, chúng ta thêm hiểu và khâm phục đức tính khiêm nhường, giản dị của một bậc đế vương, một vĩ nhân từng lập nên nhiều chiến công lừng lẫy trong lịch sử như Lê Lợi. Đó cũng chính là những bài học quý giá cho hậu thế noi theo.

Làng việt

Về Thanh Hóa thăm di tích Lam Kinh

Nằm cách Hà Nội 150km, khu di tích lịch sử cấp quốc gia Lam Kinh ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân là một trong những danh thắng nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Di tích này nằm giữa một vùng cây cối xanh tươi, rộng khoảng 30ha, gồm đền, miếu, lăng và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.
Lê Lợi sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) đã giành thắng lợi và lên ngôi vua, đóng đô ở Thăng Long. Đồng thời ông cho xây dựng ở quê nhà Thanh Hóa một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh. Thành điện Lam Kinh phía bắc dựa vào núi Dầu mặt nam nhìn ra sông Chu – có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương.
Thành điện Lam Kinh
Bốn mặt thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Qua khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu… nguy nga tráng lệ. Mặt trước ngoài hoàng thành dài khoảng 100m còn lại dấu vết của cổng vào rộng trên 6m, hai bên có hai bức tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc. Sông này bắt nguồn từ Tây Hồ, chạy vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Theo sách Hoàng việt dư địa chí xưa kia, nước sông trong veo, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp, trông rất đáng yêu, không ai dám lấy. Trên sông có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch, trên cầu có lợp ngói, qua cầu khoảng 50m thì đến một giếng cổ. Trước kia dưới giếng còn thả sen để giữ cho nước mát trong những ngày hè nóng nực. Bờ giếng phía bắc có lát bậc đá lên xuống gọi là bến nước. Gần đó là cây đa cổ hơn trăm năm tuổi tỏa bóng mát rượi.
Cây đa cổ thụ
Vĩnh Lăng
Cách quần thể Hoàng thành 50m, Vĩnh Lăng – lăng vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng. Vĩnh Lăng được chọn đặt trên một thế đất rất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi và tiền án là núi Chúa, phía sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế hổ phục long chầu. Đối diện lại có sông làm bạch hổ. Bố cục và phong cách kiến trúc của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã. Lăng đắp đất hình lập phương, bốn phía bên ngoài xây chèn bằng đá đục. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các linh vật (gồm bốn cặp ngựa, nghê, tê giác, cọp) tạc bằng đá, theo phong thủy thì các hàng tượng này được dựng để trấn trạch. Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng hơn hai mét gọi là thần đạo.
Chính điện đền Lê Lai
Điện Lê Lai trong một ngày hội
Tượng linh vật
Nếu còn thời gian, du khách có thể đi thăm đền Lê Lai ở cách đó 6km. Đây cũng là một di tích đẹp và đặc biệt lại nằm trong vùng không gian văn hóa Mường của xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét