Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Đầm Cùng hôm nay

Đi dọc dòng sông Bảy Háp, khi ngang qua địa phận huyện Cái Nước, chúng tôi lại bắt gặp một ngã ba sông. Ở xứ sông nước này, gặp ngã ba sông là chuyện thường tình, thế nhưng ngã ba sông Bảy Háp và sông Năm Căn lại làm chúng tôi phải lưu lại để ghi nhận những đổi thay đến chóng mặt của một vùng quê sông nước và nhớ lại những câu chuyện ngày xưa - chuyện những dấu chân bôn tẩu của Chúa tôi dòng họ Nguyễn một thời.
    Chuyện kể rằng: Ngày xưa khi bị đội quân hùng mạnh của nhà Tây Sơn truy sát, chúa Nguyễn và đoàn tùy tùng của mình rong ruổi hầu hết những con sông lớn nhỏ của xứ Cà Mau, hòng trốn chạy để tìm đường vượt biển, cầu viện quân Xiêm La. Nhưng rồi khi đoàn quân đến ngã ba sông này, thấy một vùng trắng xóa là nước và bốn bề giăng kín những khu rừng đước, vẹt che cả lối đi… Chúa Nguyễn bèn hạ lệnh cho dừng quân nơi đây để dưỡng thương và chuẩn bị lương thực cho những ngày bôn tẩu kế tiếp. Và rồi trong những lúc trà dư tửu hậu với những cận thần đi theo mình, cao hứng Chúa Nguyễn đặt tên cho ngã ba sông này là Đầm Cùng - cái đầm hết lối đi - tên gọi này đã chết danh cho đến ngày nay. Đúng hay sai chẳng ai thẩm định, nhưng đây là lời kể và chúng tôi cứ ghi như một cách giải thích về địa danh vậy. Đấy là chuyện Đầm Cùng ngày xưa.  


    Ngày nay Đầm Cùng không còn cách trở đò giang nữa. Quốc lộ IA đã đi ngang qua khu vực này. Để thuận lợi cho việc giao thương khi chiếc cầu Đầm Cùng đang còn nằm trong kế hoạch của những nhà thiết kế cầu đường, sẽ được hiện thực hóa trong nay mai thì những phương tiện qua sông hiện nay được kết nối bằng những chuyến phà do Cụm phà Hậu Giang đảm trách. Quốc lộ đi ngang kéo theo bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Người dân nơi đây chuyên sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản cũng bán sản phẩm thuận tiện hơn. Bởi cách Đầm Cùng không đầy 1km là một nhà máy chế biến thủy hải sản thuộc loại hiện đại nhất được xây dựng cách đấy vài năm. Con tôm, những sản phẩm từ sông nước đã giúp người dân nơi đây thoát được cuộc sống đói nghèo xưa kia. Cũng tại vùng quê này đã hình thành nên một lực lượng công nhân chế biến có tay nghề ngày đêm làm nên những sản phẩm có mặt trên những siêu thị lớn trên thế giới.
    Đầm Cùng hôm nay không còn phong kín lối đi như cái thời bôn tẩu của Chúa tôi dòng họ Nguyễn nữa, mà Đầm Cùng hôm nay đang cùng cả nước vươn ra biển lớn để khẳng định mình trên trường quốc tế.
DẠ HƯƠNG - TRÚC UYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét