Đã từ lâu, khi những dấu chân mở cõi của từng đoàn người Kinh xứ Đàng Ngoài di dân tìm vùng đất lành mà mưu sinh lập nghiệp… Trong họ, kẻ xuôi theo đường biển, người thì dọc dài đường bộ về tụ nơi đây. Không ít người bỏ mạng giữa đại dương mênh mông cho kình ngư và chắc hẳn cũng không ít nhân mạng bỏ xác trên những cánh rừng âm u và bí hiểm của xứ Đàng Trong mới mẻ đầy ma lực này. Trở lại với vùng đất phương nam mang tên “cúng cơm” là Cái Keo này. Tương truyền rằng, xưa lắm, khi những người Kinh về đây lập ấp sinh sống, những thương lái người Hoa thấy đất này là vùng đắc địa nên cũng về lập chợ giao thương mua bán. Và cứ thế, tiếng lành đồn xa… Những người Khmer tận xứ Nam Vang vốn đang khốn khó trong làm ăn, cũng chạy dạt về nơi này tạo thành một cộng đồng dân cư sinh sống với nhau. Do là người đến sau, nên những cư dân Khmer đã sống ở vàm ngã ba sông, nơi đây có rất nhiều rừng cây mắm, sú, vẹt… Và loài chim sinh sống nhiều nhất là những con chim sáo đủ loại, hót vang dội cả một ngã ba sông. Vì ngôn ngữ Khmer tiếng chim sáo được gọi là cà keo nên cứ thế, lâu dần, người ta quen gọi nơi đây là Cái Keo. Và tên một địa danh được ra đời từ đó.
Ngày nay, người dân ở Cái Keo chuyên sống bằng nghề mua bán và nuôi trồng thủy sản. Nếu như trước đây chính quyền địa phương và người dân luôn đối mặt với việc xóa đói giảm nghèo thì ngày nay, nhờ chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, nên người dân nơi đây với nghề nuôi trồng thủy sản đang từng bước vươn lên, làm giàu trên chính mảnh đất của những con chim sáo ngày xưa này. Những mái nhà được xây kiên cố ngày càng hiện diện nhiều trên vùng đất này, hơn 99% người dân được dùng điện lưới quốc gia và cũng ngần số ấy người dân có phương tiện nghe nhìn để nắm bắt thời sự và giải trí, như bất cứ cư dân thành phố nào trên cả nước…
Đời sống người dân ngày một nâng cao. Bạn hãy một lần đến với Cái Keo, xứ sở của những chim con sáo ngày xưa…
DẠ HƯƠNG - THẢO UYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét