TTO - Từ Mỹ, nó í ới gọi vào điện thoại: “Mi ơi, tau nhớ quê mình quá, thèm món bánh canh bột lộn có một không hai của quê mình”. Thấm thoát đã 10 năm...
Bánh canh bột lộn - Ảnh: M.H. |
Nó - đứa bạn thân từ hồi còn học cấp 2 trường làng của tôi. Nó cùng gia đình rời Việt Nam xuất cảnh sang Mỹ định cư, tôi cũng rời quê sau sau khi đậu đại học rồi làm việc ở thành phố. Đã khá lâu rồi, từ điển thức ăn có tên bánh canh bột lộn gần như biến mất trong tiềm thức tôi bởi rất hiếm các nhà làm nghề còn sản xuất thứ bột này và cũng rất ít các o, các chị chọn bán món bánh canh này.
Hôm nay chiều bạn, tôi cùng nó rong ruổi về lại vùng quê ven dòng sông An Cựu của Huế để đi tìm món bánh canh bột lộn, để nhớ những kỷ niệm một thời nhảy sông ùm ùm tắm trần cả trai lẫn gái của những đứa trẻ thôn quê, lấy việc biểu diễn tài bơi giỏi vào mỗi buổi chiều làm niềm vui.
Bột lộn được làm từ củ sắn tươi lột vỏ, xay nhuyễn với nước. Nước bột sắn đầu tiên sẽ đem đổ vì chứa nhiều tạp chất và rất chua không thể ăn được. Nước thứ hai vẫn còn lợn cợn màu nâu được đổ sang một thùng khác cho lắng lại và gọi là bột lộn.
Bột lộn nghĩa là lộn giữa màu trắng tinh của bột lọc của nước cuối cùng và màu nâu lợn cợn chưa được lọc kỹ càng. Bột lộn không chỉ có màu nâu mà còn có vị chua và dai hơn nhiều so với bột lọc trắng tinh mọi người vẫn dùng hằng ngày.
Bấy giờ bột lộn thường được bán khá rẻ so với bột lọc và không phải ai cũng ăn được bởi vị dai dai, chua chua của nó. Ban đầu hơi khó ăn nhưng ăn được rồi lại rất ghiền.
Để nấu món bánh canh bột lộn các o, các chị quê tôi hồi đó thường nấu với rạm đồng giã nhuyễn được bắt ở chính các bờ ruộng trong làng. Cái ngọt thanh của rạm đồng sẽ hạn chế bớt vị chua của bột lộn.
Đặc biệt, món banh canh này khi nấu bao giờ cũng cắt bột thành những hình vuông nhỏ chứ không cắt dài thành những sợi nhỏ như các món bánh canh khác. Các o bảo cắt theo hình vuông nhỏ vừa ăn sẽ hạn chế bớt độ dai và chua của nó.
Bột lộn - Ảnh: M.H. |
Nghe nói ban đầu món bánh canh này chỉ dành riêng cho những người bình dân trong làng tôi, cho lũ trẻ chúng tôi ăn quà chiều. Nhưng dần dần vị đặc biệt của nó đã theo chân các o, các chị đến các nẻo đường thành phố Huế. Và cái món bánh canh ngỡ chỉ dành cho người nghèo này lại rất hút khách bởi cái màu là lạ, cái chua chua, dai dai ăn đến khó chịu nhưng ăn được rồi thì mãi không quên.
Lân la hỏi các nhà làm nghề trong làng, cuối cùng tôi và cô bạn cũng tìm được một chị làm nghề hứa sẽ làm cho cô bạn tôi một ít bột lộn. Bất ngờ, bột lộn bây giờ còn đắt hơn cả bột lọc. Chị bảo bởi bột lộn ít làm và phải làm kỹ càng hơn bột lọc do rất dễ bị nhiễm tạp chất trong quá trình lắng bột.
Những ngày mới ra tết, tìm mãi không ra rạm đồng chúng tôi đành nấu bánh canh bột lộn với tôm. Nhìn mãi tô bánh canh bốc khói nghi ngút trên tay, bạn tôi cứ mân mê như sợ mất. Rồi bỗng dưng nó bật khóc: Ngày rời quê hương nghèo khó, cứ nghĩ đến một chân trời mới sẽ không cần nhớ gì cả. Nhưng khi rời quê hương mới thấu hiểu quê hương là gì, là cả những cái chân chất này đây...
MINH HẠNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét