“Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Thơ Huỳnh Văn Nghệ)
Hồ Gươm xanh - xanh nước bềnh bồng hồ Lục thủy, xanh trời bao la Tả Thanh thiên, và xanh lá ngút ngàn, mướt mát “mắt em xanh”. Khi mây đen vần vũ, trời tối đi, mặt nước thẫm lại, các tán lá vẫn cứ xanh dằng dặc, miên viễn. Gội mưa, lá xanh nõn nà, mặt trời lên, tán lá xanh óng ả trong nắng lung linh, rồi tới mùa thay lá, xanh biếc lộc.
Hoa lộc vừng bên hồ Gươm - Ảnh: Y Nguyên |
Già nửa thế kỷ trước, chàng trai trẻ Hà Nội Nguyễn Đình Thi nồng nàn bật lên câu hát: “Đây hồ Gươm… Đây lắng hồn núi sông ngàn năm” mở đầu trường ca Bài hát của một người Hà Nội (tên thoạt kỳ thủy mộc mạc là thế, sau này mới trau chuốt phổ biến thành Người Hà Nội). Nay, dàn nhạc giao hưởng UNESCO Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên Hiệp Quốc dàn dựng hợp xướng bốn bè cho các giọng Tây - ta hòa vang, nhưng vẫn tròn vành rõ tiếng Việt, giữa Paris hoa lệ Pháp mừng nghìn năm Thăng Long.
Không chỉ quanh hồ mà ngay đảo Ngọc - đền Ngọc Sơn cũng bát ngát màu xanh lục diệp. Cơn bão nửa sau thập niên bảy mươi của thế kỷ trước dữ dằn làm trốc gốc cây đa hai trăm năm tuổi. Lập tức cây được dựng ngay dậy, chống kèo cột lia chia, lại ra lá xanh biếc đến hôm nay, trùm lấy đảo trong tán lá chở che.
Qua cầu, khỏi chân Tháp Bút là cả một bãi vông bảy cây, thân oằn lại, lá chẽ múp ba cân xứng, tỏa bóng làm dịu hẳn cái nắng chang chang, không thua gì tán lá xà cừ lực lưỡng bên hồ. Chờ khi cây gạo mộc miên cổ thụ còn lại duy nhất xế vườn hoa Lý Thái Tổ rụng hết hoa, trơ lại cái thân đầy gai cùng vô vàn vết chém, cành to cành nhỏ chót vót, khẳng khiu, gốc xù xì trăm mắt, vông mới ra hoa, đỏ dọc cả một vùng, cứ như vươn tới tận mảng hoa đơn độc cùng màu của một cây vông lạc lõng sang mạn nhà Thủy tọa bên kia hồ.
Thế mà nay, mọi cây xanh với đủ sắc hoa đỏ, trắng, vàng, tím ngát ven hồ đều nhạt nhòa trước cơn sốt lộc vừng sừng sững giăng mắc đèn trời ngay trước mặt tiền nhà đèn thành phố. Một cây cứ như từ mạn bờ sông, theo đường nhánh Trần Nguyên Hãn, nhao ra, gặp hồ nước sững lại, thành cái thế bồ tượng lẫm liệt, uy nghi. Chẳng bù với búi chi chít chín gốc quần tụ, xoắn chặt lấy nhau mà lan ra tận sát mép hồ, la đà cành thấp cành cao, hớp hồn mặt nước.
Cầu Thê Húc - Ảnh: hinhanhvn |
Khác mọi loài cây cỏ, cứ đúng cữ xuân - thu nhị kỳ, mỗi năm đủ hai bận lộc vừng ra hoa. Thoạt đầu, thả dài những chùm cước nụ xanh để khi trời vừa bảng lảng hoàng hôn bung ngay thành những dây đèn lấp lánh li ti, thơm hương cho đến khuya. Sớm mai, rụng hoa rắc thảm đỏ xuống bãi cỏ xanh thẫm, thẫm sương đêm, lên mặt nước lăn tăn gợn con sóng nhỏ.
Gió lên, hoa lộc vừng dập dềnh xuống Hàng Khay tiễn bóng liễu đong đưa đi vào quá khứ thơ Xuân Diệu “Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”. Hoặc qua chân cầu Thê Húc, đến chỗ tránh xe điện ngày xưa, bãi đỗ xe Đinh Tiên Hoàng hôm nay, cứ như rắc thính đỏ cho các rễ dây câu thả từ tán lá rậm rịt ba cây sanh lớn, nhỏ mọc nghiêng, thân ngả hẳn xuống, song song mặt nước. Cứ thế kéo dài cả tháng, làm mê hồn người.
Có thể bốn cây gỗ tếch khổng lồ hai người ôm, xuất xứ từ đại ngàn Thượng Lào, vươn thẳng lên cao vời vợi, lá lại bè như cái quạt, chiếm lấy hết không gian, quây chặt lộc vừng trong vòng mai danh ẩn tích đằng đẵng bấy lâu.
Mai đây, lộc vừng mới bỗng xuất đầu lộ diện, phô sắc để người Hà Nội trầm trồ, ngẩn ngơ, du khách nước ngoài ngỡ ngàng một loài cây hoang đẹp từ cái thân ngả nghiêng, vỏ xù xì, đầy những mấu cổ thụ đến lá vào mùa rực lên màu cam Hà Lan rồi đỏ như lá phong trên cờ Gia Nã Đại (Canada) làm đại thiệp báo hiệu khai hoa, còn hoa đẹp khỏi nói và thơm lạ. Đến nay, vẫn khối người còn ngộ nhận cả hồ Gươm chỉ độc hai cây lộc vừng. Trong số đó, một cây đếm kỹ đến mấy cũng chỉ thấy bảy thân. Lại chỉ một cây ra hoa thôi nhé!?
Cuối năm ngoái Đinh Sửu, lộc vừng hồ Gươm bỗng trở mình sớm, so với vòng sinh học vốn dĩ của chính nó - hết quét vàng rồi nhuộm đỏ cả một khoảng không gian hồ Gươm. Hai tuần sau, đúng Tết Nguyên đán Mậu Dần, lộc vừng bừng bừng buông chi chít hết chùm hoa này đến chùm hoa khác như những dây đèn lồng nhỏ xinh, đóng mộc cái tết mở đầu thiên niên kỷ thứ hai Thăng Long - Hà Nội.
Lộc vừng hồ Gươm lại được đóng mộc tiếng sáo 19 tháng Chạp tây hằng năm. Một ông giáo dạy toán đã nghỉ hưu, ở tít Kim Ngưu, cứ đến ngày kỷ niệm “Hà Nội cháy, cháy đỏ ngập trời” cuối năm 1946, lại mang sáo tới gốc lộc vừng ngồi thẫn thờ thổi bài Hồn tử sĩ của Lưu Hữu Phước. Ông bảo là để tưởng niệm người bạn chí cốt, cạnh nhà nhau bốn đời ở phố Hàng Gai, đầu Bờ Hồ, năm đó mới 13 tuổi, làm giao liên Trung đoàn cảm tử thủ đô, ngã xuống ngay loạt súng mở đầu ngày toàn quốc kháng chiến, hiên ngang như Gavroche được Victor Hugo khắc họa đáng yêu, đáng nhớ làm sao trong Những người khốn khổ ấy.
Du khách trí giả Bắc Kinh đã có tuổi giật mình. Thổi bài Hồn tử sĩ chi trong mưa lá mà sao tiếng sáo của ông lão người Việt phương phi, phúc hậu ấy lại không thê lương như tiếng sáo ảo não Nhựt Bổn. Cũng chẳng náo nức chiến chinh như tiếng sáo Trương Lương dồn dập làm rã ba quân Hạng Võ. Tiếng sáo của ông đúng hồn Việt - vừa réo rắt, thổn thức các cung bậc cảm xúc, lại chứa chan, dìu dặt, đê mê lòng người.
Từ đấy, ông du khách Trung Hoa không còn dám ngạo mạn Bắc Kinh của ông xanh mướt liễu ra tận ngoại vi, những tán lá toàn một giống hòe “quốc thụ” Trung Hoa trùm khắp các đường phố chính thủ đô mà khinh khi cây xanh hồ Gươm xô bồ, vô lối.
Đâu chỉ riêng người tứ chiếng - Hà Đông, xứ Đoài, Kinh Bắc, Sơn Nam, đổ về làm người Kẻ Chợ. Mà còn từ những miền xa. Sớm nhất, người Ninh Bình hưởng ứng chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Rồi người Nam Định nhà Trần vừa liệt oanh ba lần thắng quân Nguyên - Mông, vừa minh triết Trúc Lâm thiền viện. Kế đến người Thanh Hóa thời Lê viết nên Đại cáo bình Ngô cùng tuyệt tác Tao đàn nhị thập bát tú… Và năm 54 của thế kỷ trước, người miền Nam thành đồng ra tập kết.
Vừa là để nguôi ngoai nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, vừa đúng tập tục người Việt “già trồng cây cho trẻ lấy lộc”, nên chi Thăng Long đã “tụ thủy, tụ nhân” lại thêm “tụ mộc”. Hồ Gươm không chỉ tụ hội những cây đặc trưng làng quê đồng bằng Bắc bộ - đa, đề, si, sanh, mà cả lộc vừng gốc gác miền Trung nắng và cát. Bên cây cọ thẳng tắp, cao tít xòe tán ô xanh Phong Châu đất tổ là ô môi vốn sinh trưởng trên đất Hà Tiên tận cùng, để hè về lại ra hoa góp sắc đào cho hồ Gươm. Lại cả màu tím bằng lăng ngan ngát tưởng như được bứng từ miền Đông Nam bộ ra quần tụ bên hồ Gươm cho đủ mặt cây cỏ đất nước thống nhất…
Cạnh những cây quý như sưa hoa trắng, gỗ thơm phức được bán làm dược liệu, khắc tượng là những sung cho người nghèo muối thay cà pháo, là me cho trẻ cơ nhỡ thuở trước hái quả nuôi thân, là bàng phong ba kiên cường lá đỏ. Trước Công ty thương mại Intimex, còn một cây muỗm ngày trước tới mùa quả chín lúc lỉu xòe Thái, giờ chỉ ra hoa, rồi rụng bằng sạch.
Dẫu đã bạt đất hoang phường Khán Văn làm vườn Bách Thảo bên hông Phủ Toàn quyền, vườn ươm bên kia đường Trường Bưởi, chánh canh nông người Pháp Le Marie vẫn cứ cho trồng cây gạo canh cửa thị sảnh Hà Nội xưa, Ủy ban Nhân dân nay. Cây không cho bóng mát, các cành gốc lại rất dễ gãy, đe dọa người bên dưới, hoa rụng không kịp quét là thành xà bần xú uế đường đi lối lại.
Bởi chưng, rìa làng, đầu ngõ nào ở nước Nam ta mà chẳng có cây gạo trừ tà - thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề. Nhà văn Vũ Tú Nam cũng thấy hoa gạo nở như lưỡi lửa cháy đỏ đèn ban thờ thâm nghiêm, búp non hệt đèn cầy xanh trong khói hương ngày rằm, mùng một.
Giữa thế kỷ trước, mé tây hồ Gươm được xẻ làm đường đôi, từ đầu rẻo thềm nhà Khai Trí Tiến Đức tới ngã tư Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Hàng Khay - Tràng Thi. Đâu riêng cho giao thông, còn là tạo dải phân cách rộng để trồng hẳn một hàng thẳng tắp những sấu. Đâu đâu cũng có sấu. Song, chỉ ở một Hà Nội này mới lắm - nội bốn quận nội thành trước đây đã ngàn rưỡi cây, và sai quả cực kỳ. Sấu cứ lẳng lặng khắc vào tâm can, thấm vào huyết quản người Hà Nội.
Thân sấu thẳng, vút cao hai, ba chục mét là thường, tán tròn sum suê phủ bóng cả đôi bên đường, rễ cái ăn sâu, bất chấp mưa to bão lớn, nhưng lại thành bạnh, lổm ngổm bò ngang bò dọc, nửa chìm nửa nổi, đủ các dạng thế lạ mắt, lại rêu phong. Dạo trước, mỗi khi ra Hà Nội, Đào Hoa Nữ bất chợt dừng xe, nắm nghía một chặp rồi chớp máy liên hồi, làm tập ảnh nghệ thuật gốc sấu độc đáo Hà Nội.
Chỉ có sấu tiễn mùa xuân trôi đi. Tán lá trông vẫn xanh ngăn ngắt là thế, nhưng đã thả vội những chiếc lá vàng tháng Hai làm nặng tiếng chổi tre quét đường. Tháng Ba ra hoa trắng li ti, rụng như vãi ngọc trắng ngà để sang tháng Tư kết quả. Trái sấu “xấu” tệ. Trái non ứa nhựa, lốm đốm sùi, đen thui, rồi thành vết nhám loang lổ làm xỉn hẳn màu vàng trái chín. Nhưng nhắc tới sấu là ai nấy nhỏ nước miếng.
Sấu non dầm đủ vị ngọt đường hoa mai và đậm đà chút nước mắm Phú Quốc. Sấu già phơi khô làm ô mai để nhớ hoài cho người đi. Sấu chín cả trẻ thơ lẫn con gái thích thú vô chừng. Ngày hè oi nồng, cái vị chua dìu dịu, thanh thanh của sấu đánh giấm bát nước rau trong, chín nhừ trong bát canh nấu thịt thăn, giò sống óng ả xua đứt cái nóng bức để thật ngon bữa. Lại còn món thịt vịt om với sấu, rau răm trong niêu đất, Vũ Bằng thương nhớ suốt hai mươi năm, kể từ ngày vào Sài Gòn...
Cơn bão lớn năm 1997 tràn qua, quật đổ hơn năm ngàn cây ngổn ngang khắp phố phường Hà Nội. Duy chỉ một hồ Gươm cây cối hiển linh, vi vút ngàn năm - không một cây nào bị bão làm suy suyển. Trên cái nền ấy, trong buổi hòa nhạc chủ đề “Điều còn mãi” mừng tết độc lập 2010, Mỹ Linh xuất thần cất tiếng hát dâng dâng “Đây hồ Gươm… Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Theo LÊ LÀNH
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét