Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Vài nét về phong tục của dân tộc Dao Tây Bắc

Người Dao thật thà, hiền lành, chất phác và hiếu khách. Bản chất quý báu đó vẫn là nét chủ đạo, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Trong cuộc sống thường nhật, họ ít nói nhưng không thù ghét ai. Do sống phân tán, tiếp giáp với nhiều dân tộc nên họ cũng dễ hòa đồng, tạo điều kiện cho sự phát triển, tiếp thu cái mới.

                                     
Ở Việt Nam, người Dao có khoảng 45 vạn người, đứng thứ 9 so với các dân tộc trong nước. Cuộc sống của họ do ly tán, bất ổn định, chủ yếu dựa vào rừng núi cao... nên gặp nhiều khó khăn. Người Dao thật thà, hiền lành, chất phác và hiếu khách. Bản chất quý báu đó vẫn là nét chủ đạo, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Trong cuộc sống thường nhật, họ ít nói nhưng không thù ghét ai. Do sống phân tán, tiếp giáp với nhiều dân tộc nên họ cũng dễ hòa đồng, tạo điều kiện cho sự phát triển, tiếp thu cái mới.
Về nguồn sống cơ bản, đồng bào Dao chủ yếu dựa vào các sản phẩm nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp như lúa, ngô, khoai, sắn; thức ăn chủ yếu là các loại rau, đậu, củ, quả tự trồng. Công cụ sản xuất còn thô sơ, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu. Người Dao có nghề làm giấy bản, nhuộm màu đỏ thẫm, vàng chanh hoặc để thô được đem đi bán khắp mọi nơi. Dân tộc Dao có nhiều bài thuốc nam (thuốc lá) bí truyền chữa được nhiều bệnh nan y bằng kinh nghiệm bắt mạch, cắt thuốc theo y pháp phương Đông.
Về cấu trúc nhà ở của người Dao đơn giản nhưng với sự tổ hợp ba phần toát lên sự kín đáo, tế nhị của người Á Đông. Họ có ba loại nhà: nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất; nhà ở bằng gỗ, tre, nứa rất chắc chắn. Người Dao lấy địa thế đồi núi để dựng nhà, thường là chỗ bằng phẳng. Kiểu nhà truyền thống của người Dao quần trắng là nhà sàn, thường được làm ba gian, cách chắp nối các cấu kiện bằng nguyên liệu rời. Tuy nhiên, họ không phải dùng đinh trong quá trình lắp ghép nhà ở. Kiểu nhà này chỉ có một cầu thang lên xuống, cầu thang có số bậc lẻ; trong nhà thường có hai bếp. Nhà người Dao đỏ làm nửa sàn nửa đất ở lưng chừng đồi. Cách chọn hướng nhà thì cũng như các dân tộc khác.
Tín ngưỡng của người Dao là tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh” mang dấu ấn của Nho giáo và Đạo giáo chính thống. Tư tưởng Nho giáo được thể hiện rõ trong cách phân định tôn ti, trật tự, theo thứ bậc ở mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Đồng thời, Đạo giáo ảnh hưởng bao trùm hầu hết các phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên (Bàn Hồ – Bàn Vương), được thể hiện qua lễ đặt tên cho con trai và cấp sắc cho người làm thầy cúng... Người Dao quan niệm khi chết thì chỉ chết về thể xác, còn linh hồn mãi mãi bất diệt “quay về với tiên tổ”.
Hôn nhân nam, nữ tự do tìm hiểu và tự nguyện kết hôn theo chế độ một vợ một chồng, người cùng họ không được lấy nhau. Nam giới phải ở rể từ hai đến ba năm, có khi ở luôn nhà vợ (nếu ở luôn nhà vợ thì phải đổi họ bên vợ). Họ còn có tục dùng bạc trắng để định giá cô dâu, theo nghĩa đen là mua và gả bán, số bạc ấy sau này sẽ là của đôi vợ chồng trẻ. Ngày cưới, cô dâu trang điểm rất đẹp, đội mũ màu đỏ, có hoa văn; cổ và tay đeo nhiều vòng bạc. Ngày cưới, đoàn đưa cô dâu, có cả thầy cúng, và thổi kèn, đánh chiêng, khua trống, rung nhạc. Tới nhà chồng, cô dâu phải qua nhà tạm, khi được giờ thì mới được vào nhà chồng. Lên tới nhà chồng, cô dâu phải “rửa tay”, bước qua chậu than hồng và nhiều nghi thức khác... trước sự chứng kiến của hai họ rồi mới bước qua cửa vào nhà với ý nghĩa là “Từ nay đoạn tuyệt với con ma họ ngoại và từ nay theo con ma họ nhà nội”.
Sau khi vợ chồng lấy nhau, khi sinh con đầu lòng thì họ đẻ ngay tại buồng ngủ của mình. Ba ngày đầu, các cửa ra vào đều phải cắm lá kiêng không cho người lạ vào nhà. Gia đình dân tộc Dao tồn tại bền vững theo chế độ phụ quyền, người con gái không có tên trong chúc thư, không được thừa kế tài sản của gia đình.
Về trang phục, so với các dân tộc khác thì dân tộc Dao được coi là còn giữ được nhiều nét bản sắc của mình với chất liệu bằng vải bông nhuộm chàm, màu xanh, đỏ, đen, tím than hoặc để trắng. Tộc người Dao đỏ đội khăn đỏ, đeo những bông hoa đỏ trước ngực; Dao quần chẹt mặc quần ống hẹp bó sát vào chân; Dao quần trắng nổi bật là yếm rất to che kín cả ngực và bụng, ngày cưới cô dâu mặc quần trắng; Dao làn tuyển mặc áo dài, đội mũ nhỏ...
Dân tộc Dao có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc thể hiện qua nhiều phong tục, nhiều điệu múa đẹp, nhiều bài hát hay, kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, ca dao, thành ngữ, chiêm tinh, tướng số, câu đố... Nhưng cũng giống các dân tộc thiểu số khác chủ yếu tồn tại dưới dạng truyền khẩu, vốn này ngày nay cũng bị mai một, thất truyền với những lý do khách quan cũng như chủ quan.
Từ khi có Đảng, cũng như các dân tộc khác, đồng bào Dao luôn đoàn kết, định canh định cư, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương và từng bước khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Một số nét văn hóa của người Dao
Dân tộc Dao là một trong 54 dân tộc anh em đang sống trên dải đất Việt Nam, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Dân tộc Dao có nhiều nhóm địa phương, như: Dao Quần trắng, Dao quần chẹt, Dao Tiền, Dao Thanh Y, Dao Lô Gang, Dao Đỏ...và có nhiều tên gọi khác: Mán, Động, Trại, Đại Bản, Tiểu Bản v.v...


Người dân tộc Dao say sưa hát Páo Dung (làn điệu dân ca)

Người Dao sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt trên nương và ruộng nước. Ngoài lúa họ còn trồng màu. Nông cụ sản xuất thô sơ nhưng kỹ thuật canh tác đã có nhiều tiến bộ. Một số nghề thủ công đã phát triển như dệt vải, rèn, mộc, làm giấy, ép dầu... Họ nuôi nhiều lợn, gà, nhưng chủ yếu dùng trong những ngày ma chay, cưới xin, lễ tết. Nhà ở có 3 loại khác nhau: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà đất (nhà trệt). Đàn ông Dao trước đây để tóc dài búi sau gáy, hoặc để chỏm tóc trên đỉnh đầu. Ngày nay, hầu hết đã cắt tóc ngắn. Y phục thường gồm quần và áo ngắn, áo dài. Trang phục của phụ nữ phong phú hơn, giữ được nhiều nét trang trí hoa văn truyền thống. Phụ nữ Dao để tóc dài. Cô dâu trong ngày cưới đội mũ. Dưới chế độ cũ, cưới xin gồm nhiều nghi lễ phức tạp. Có hai hình thức ở rể: có thời hạn và vĩnh viễn. Tuy nhiên phổ biến là sau lễ cưới, vợ về nhà chồng. Ma chay phản ánh nhiều tục lệ xa xưa. Ở một vài vùng có tục hoả táng cho người chết từ 12 tuổi trở lên. Người Dao có nhiều tín ngưỡng về thần linh, ma quỷ, có một số tục lệ thờ cúng phức tạp và tốn kém. Người Dao có quan hệ họ hàng chặt chẽ và thông qua tên đệm để xác định dòng họ, vai vế của người đó trong quan hệ dòng họ. Người Dao có nền văn hóa và lịch sử lâu đời. Mặc dù cơ sở kinh tế nói chung còn thấp kém, nhưng tri thức dân gian rất phong phú, đặc biệt là y học dân tộc cổ truyền. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá, gọi là chữ Nôm Dao.

Người Dao có hai hình thức thờ cúng chính là cúng tổ tiên (Bàn Hồ) và cúng Bàn Vương. Trong cúng tổ tiên, người ta cúng đến 9 đời và bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi tôn nghiêm nhất và họ cho rằng tổ tiên không ở thường trực trên bàn thờ mà chỉ ghé thăm họ vào ngày mồng một hoặc ngày rằm; cúng Bàn Vương là cúng một nhân vật huyền thoại . Thờ Bàn Vương, không cần lập bàn thờ riêng mà khấn chung với tổ tiên, tông tộc trong các dịp lễ tết. Người Dao tin rằng, Bàn Vương có liên quan đến số phận từng gia đình, từng tông tộc, nên có cúng bái tốt thì mọi người mới khoẻ mạnh, gia tộc mới hưng thịnh.

Tuy nhiên, hình thái tín ngưỡng vạn vật hữu linh giáo tồn tại rộng rãi ở người Dao. Đó là quan niệm đa thần, vạn vật hữu linh - tức là vạn vật đều có linh hồn. Vì vậy, người Dao tin là có thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và thần chăn nuôi. Người Dao có rất nhiều nghi lễ như lễ cúng nương, lễ cúng cơm mới, cúng thóc giống, cúng hồn gia súc, lễ cấp sắc khá phổ biến và rất quan trọng đối với người đàn ông Dao.
 

Lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Cao Bằng

Tết cổ truyền của người Dao diễn ra cùng dịp với Tết Nguyên đán của người Việt, thường sớm hơn nửa tháng và kết thúc tương tự. Vào những ngày giáp Tết (tháng 12 âm lịch), dân bản tập trung tại nhà trưởng bản hoặc một nhà nào đó theo phiên để cùng nhau tiến hành "Tết Nhảy". Từ bao đời nay, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Để chuẩn bị cho "Tết Nhảy", các thanh niên trong làng phải tập các điệu múa, điệu nhảy và phải chuẩn bị gươm đao bằng gỗ để múa. Trong "Tết Nhảy", mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã. Người tham dự Tết, nhảy múa liên tục cả ngày cả đêm, ai mệt thì ra, người khác sẽ thay thế. "Tết Nhảy" của người Dao là tết của gia đình nhưng lại được cả bản coi như là tết của chung. "Tết Nhảy" của người Dao là nét sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp của các loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ...  tất cả đã làm nên vũ điệu sắc màu độc đáo riêng của người Dao.

Trang phục của người phụ nữ Dao gồm: áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức vàng bạc, khăn vấn đầu... Đối với trang phục của nam giới thì rất đơn giản, đó là những chiếc áo ngắn, xẻ ngực, cài cúc trước ngực và thường cài 5 cúc. Quần rất rộng đũng, có thể cử động trong mọi tư thế. Cả nam, nữ và trẻ con người Dao đều thích đeo trang sức như vòng cổ, chân, tay. Ngoài việc làm đẹp thì chúng còn mang giá trị nhân văn, tín ngưỡng. Theo truyền thuyết kể lại, người đeo trang sức bằng bạc thì sẽ trừ tà ma, tránh gió và thậm chí là được thần linh phù hộ.

Trang phục nam, nữ của dân tộc Dao

Đối với việc cưới hỏi, trong Lễ ăn hỏi: Nhà trai mang gà, rượu, thịt sang nhà gái đưa đồng bạc trắng, tuỳ từng địa phương số tiền thách cưới là 1,20 hoặc 30 đồng bạc hoa xoè. Số bạc này nhà gái dùng để chuẩn bị quần áo, tư trang để cô dâu về nhà chồng. Từ khi ăn hỏi đến khi cưới khoảng 1 năm để cô gái phải thêu thùa quần áo cưới. Để báo hỉ cho khách đến dự đám cưới, hai bên gia đình dùng vỏ quả bầu khô cắt ra từng viên nhỏ như hạt bầu nhuộm bằng màu hồng. Người thân thường cho hai hạt (nghĩa là người được nhận hạt vỏ bầu này được mời thêm một người nữa, thường là vợ hoặc chồng). Bao nhiêu khách thì chuẩn bị bấy nhiêu hạt (việc dùng vỏ quả bầu cắt nhỏ để báo hỉ có liên quan đến sự  tích chuyện nạn hồng thuỷ của người Dao).

Lễ cưới: Người Dao thường tổ chức cưới chủ yếu là bên nhà trai. Bên nhà gái báo cho bên nhà trai số khách đến dự cưới là bao nhiêu (thường là 100 - 120 người) để nhà trai chuẩn bị cỗ và thịt ruợu cho thông gia nhà gái. Số thịt rượu hồi cho khách sui gia mỗi người 1 kg thịt lợn, 1 chai rượu. Ngày cưới, đoàn nhà gái đưa dâu sang nhà trai gọi chung là đoàn (săn cha), từ trẻ đến già ăn mặc chỉnh tề theo trang phục truyền thống của dân tộc mình. Sau khi ăn uống, đoàn đưa dâu đứng trước bàn thờ tổ tiên, hai ông quan lang hai bên thưa với tổ tiên việc cưới xin của gia đình và xin phép được đưa đón dâu sang nhà trai. Cô dâu mặc trang phục ngày cưới, cổ và tay đeo vòng bạc... Trên đầu trùm chiếc khăn đỏ to che kín mặt. Trong khi làm lễ cô dâu quay mặt ra phía cửa. Cô phù dâu bên cạnh có nhiệm vụ che ô cho cô dâu đi đường và phụ giúp cô dâu trong quá trình hành lễ từ nhà gái sang nhà trai. Trong đoàn săn cha có một người thổi Phằn tỵ (kèn). Trên đường đi qua các bản, người thổi kèn thổi các bài ca chào bản chào mường, mừng cưới theo điệu vui vẻ. Đến nhà trai, đoàn săn cha dừng chân cách nhà trai một quãng. Nhà trai đưa bàn ghế ra, thuốc, trà, rượu ra mời đoàn săn cha đang dừng chân (đợi giờ vào nhà). Đội nhạc lễ nhà trai gồm: trống, thanh la, kèn, hai chũm chọe gồm một to và một nhỏ. Trước khi ra cửa đón dâu, đội nhạc lễ thổi những bài ca mừng cưới vòng ba lần trong nhà rồi ra ngoài đón đoàn săn cha nhà gái. Người thổi kèn đôi bên thổi bài chào đón khách và đưa cô dâu cùng đoàn săn cha vào nhà.
 

Đám cưới của người Dao đỏ ở Cao Bằng

Lễ cô dâu vào nhà: Người Dao quan niệm khi cô dâu đi đường có thể các loại ma, ngoại thần bám theo, nên trước khi vào nhà thầy Tào phải làm lễ trừ tà quỷ. Cô dâu được phù dâu che ô và dắt vào trước cửa nhà, cô dâu vẫn quay mặt ra ngoài. Nhà trai lấy một chậu nước trên chậu đặt một con dao, một đôi dày mới, chuẩn bị ba cành đào hoặc ba cọng gianh tươi (dùng để đuổi tà) Thầy miệng ngậm nước phép Tào làm phép đuổi tà thầy phù nước ra phía cửa đoạn cầm ba nhành đào phi từ trong nhà qua trên đầu cô dâu. Xong động tác này, cô dâu bước vào nhà dừng trước chậu nước bỏ đôi hài cũ ra dơ chân qua trên chậu nước, con dao đặt trên chậu nước được bỏ ra, một em bé trai hoặc gái nhà trai rửa chân cho cô dâu và đi hài mới vào chân cho cô dâu. Cô dâu được đưa vào buồng, chậu nước được bê vào đặt dưới gầm giường cô dâu để đó ba ngày mới đổ đi. Đêm đó, các cô gái, chàng trai đôi bên được dịp trổ tài hát Páo Dung. Càng về khuya lời Páo Dung càng da diết, lũ trẻ mong mình lớn lên để được hát Páo Dung, người già như thấy mình trẻ lại, thần rừng, thần cây nghe nuốt lấy từng câu, cất vào lòng để rồi mai này nếu người Dao có quên hát Páo Dung thần sẽ nhắc lại... Đám cưới người Dao được tổ chức hai ngày hai đêm. Khi đoàn săn cha nhà gái về, mỗi  người được biếu một ki lô gam thịt lợn và một chai rượu.

Được ba hôm, sau ngày cưới, cô dâu cùng chú rể và đoàn nhà trai lại sang nhà gái làm Lễ lại mặt, đoàn gồm đôi vợ chồng trẻ, một số thanh niên nam nữ. Nhà trai mang theo 20 ki lô gam thịt lợn (đã nấu chín), rượu, gạo mời cơm họ hàng bà con thân cận của nhà gái. Đám cưới là một trong những sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Dao trong đó chứa đựng những giá trị về văn hoá, về lịch sử, giá trị về giáo dục...

Dân tộc Dao có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống. Ca hát và sáng tác thơ là nhu cầu sinh hoạt văn nghệ phổ biến của người Dao. Người Dao hát, sáng tác hoặc ứng tác lời hát vào các dịp trai gái đến chơi làng, trong đám cưới, dịp vào nhà mới, những ngày hội và chợ phiên... Có hai hình thức thể hiện là hát đơn và hát đối đáp, nhưng hát đối đáp là thông dụng hơn. Hát đối đáp thường áp dụng khi làm quen, tìm hiểu nhau. Theo đó, người ta chia làm hai bên, một bên nam, một bên nữ, tối thiểu mỗi bên có một người. Tục ngữ, ca dao phải ánh nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các kinh nghiệm sản xuất và sinh hoạt xã hội. Câu đối cũng đa dạng và phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống lao động và thiên nhiên xunh quanh con người. Nhạc cụ dân tộc của người Dao chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, gồm có trống, thanh la, chũm choẹ, chuông nhạc và tù và. Ngoài ra, người Dao còn có các loại nhạc cụ khác như nhị, sáo, đàn môi...
 

Kèn pí lè của người dân tộc Dao

Trò chơi của người Dao cũng rất đa dạng, gồm nhiều thể loại khác nhau; có trò mang tính nghi lễ như trò tập lên đồng, tập bói, nhảy múa...; có trò chơi trong lúc uống rượu như trò chỉ ngón tay, hát đối đáp...; có trò chơi trong ngày tết và những lúc rảnh rỗi khác như trò bắt dây bằng các ngón tay, đu dây, đánh quay, đánh còn...

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ đã bị mai một dần theo thời gian.  Bảo tồn những giá trị văn hoá người Dao là việc làm cần thiết để góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Theo baocaobang.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét