Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Động Người Xưa ở Hà Nội

TTO - Khi nhắc đến Động Người Xưa, dấu tích của sự sống chúng ta vẫn thường hay nghĩ đến đó là một khu hang động nổi tiếng trong VQG Cúc Phương (Huyện Nho Quan, Ninh Bình). Nhưng với những ai đã từng có  chuyến khám phá kĩ càng vùng du lịch Hương Sơn (Huyện Mỹ Đức-Hà Nội), sẽ phát hiện ra một Động Người Xưa rất cổ nữa...
Cửa động

Vùng non nước Hương Sơn với động Hương Tích nổi tiếng vào hè vắng hẳn khách du lịch, bởi mùa lễ hội đã kết thúc. Nhưng ở đâu đó quanh quần thể khu du lịch nổi tiếng, giờ đã về Hà Nội này, chúng tôi vẫn phát hiện thấy những người trẻ, các đoàn thám hiểm leo núi đang thực hiện những chuyến đi khám phá,  du lịch bụi.
Vào một ngày cuối tuần, cũng như nhiều người ưa khám phá khác, chúng tôi theo một nhóm sinh viên phóng xe máy từ Hà Nội đi tham quan Hương Sơn. Cả nhóm dong xe đi thẳng dọc theo con suối nhỏ. Được vài cây số uốn lượn men theo sườn núi thì đã hết đường, hiện ra trước mắt chúng tôi là khu di tích chùa Long Vân.
Đặt chân tới nơi này trong lòng ai cũng khoan khoái, bình yên, một vùng cảnh sắc như non tiên hòa quyện vào nét thiền tịnh của cõi Phật. Chỉ cần bạn bách bộ leo núi, lễ Phật bằng lòng thành tâm, kính cẩn thì những ưu phiền trong lòng sẽ dần dần tan biến hết.
Di chỉ hóa thạch của người Việt cổ ở trong động

Một vài đoàn du khách sau khi leo núi thăm quan chùa Hương Vân, chùa Cây Khế, động Tiên Tự… thì quyết định vòng về. Điều đó thật là đáng tiếc, đặc biệt tiếc cho những ai khi đã nhìn thấy tấm biển chỉ dẫn “Động Người Xưa” mà lại dừng bước. Tấm biển đã tạo ra cho chúng tôi sự tò mò, bởi từ trước tới nay mới nghe qua Động Người Xưa ở Ninh Bình. 
Chính vì thế, nhóm người trẻ đã quyết định phải băng qua khu rừng tre, trúc và đoạn đường mòn dưới lòng thung lũng để một lần tìm về di chỉ khảo cổ, nơi lưu dấu bằng chứng sự sống của người Việt cổ xưa. Đi bộ được khoảng gần 1km thì chúng tôi bắt gặp một căn nhà ngói đơn sơ, gần như nằm ở cuối thung lũng. Ở đó chúng tôi đã được ông Phạm Văn Tọa tiếp chuyện cùng những chén nước chè xanh mát lòng.
Ông Phạm Văn Tọa, năm nay đã 65 tuổi và có thâm niên 20 năm làm công tác hướng dẫn di tích ở đây. Vẫn điềm tĩnh như ngày nào, cụ Tọa bước từng bậc đá treo leo dẫn đoàn người lặng lẽ lên thăm động. Bước đi và nét mặt của người đưa đường ấy hiện lên bao nỗi ưu tư khó tả.
Ông Tọa giới thiệu cho chúng tôi nghe về khu tích tích này một cách rành rọt: “Động Người Xưa này chính là một trong những địa chỉ mà tổ tiên người Việt Cổ chúng ta đã từng cư trú. Trước đây, động Người Xưa có tên gọi Hang Sũng Sàm. Năm 1975, cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng và đoàn khảo cổ đã phát hiện ra di chỉ này với hàng trăm hiện vật đồ đá, chứng tỏ sự sống của loài người.
Lớp vỏ ốc dầy 3-4 m còn sót lại trong động

Di chỉ có niên đại thuộc văn hóa khảo cổ học Hòa Bình cách đây từ 11.365 đến 10.770 năm trước. Về mặt vị trí địa lý, hiện nay Động Người Xưa nằm ở vị trí điểm cuối phía Tây Nam của Thành Phố Hà Nội, chỉ qua một quả núi sẽ sang đất Kim Bôi - Tỉnh Hòa Bình.
Từ khi được phát hiện đến nay, Động Người Xưa ở Mỹ Đức vẫn chưa được nhiều người biết đến, chưa được quan tâm đầu tư và bảo tồn một cách đúng mức, ông Tọa tâm sự rất thật. Rồi bất giác, ông ngâm ngay một bài thơ như lời đề từ giới thiệu về vẻ đẹp, cũng như những giá trị lịch của của khu động này. Đoạn thơ rằng
Mây vờn núi biếc thiên nhiên đẹp
Động cổ mãi còn dáng thanh cao
Nhũ đá tạo hình phong phú lạ
Vượn hót chim ca tiếng ngọt ngào
Thăm đây nhớ về tổ tiên trước
Quá khứ đi vào nỗi khát khao
Bao nhiều chuyện lạ đời mơ mộng
Tưởng niệm người xưa vẫn ngọt ngào
”.
Hang đá vắng lặng bóng người, hình hài cụ hướng dẫn viên ẩn mình trong những lùm cây rừng. Tất cả giờ đây đã gợi lên trong tâm hồn mỗi chúng tôi những cảm giác về một miền lịch sử, quá khứ xa xăm, hoài cổ.
Cũng trong những giờ phút thăm thú Động Người Xưa đó, chúng tôi tự cảm thấy sự thiếu hụt kiến thức lịch sử, bởi khi động chạm đến một di chỉ khảo cổ  có giá trị lịch sử như thế, mà các bạn trẻ trong nhóm chẳng ai biết, chẳng ai hiểu, cứ ngơ ngơ ngác ngác.
Một chút kiến thức nho nhỏ qua chuyến khám phá vùng đất phật Hương Sơn có phần ngẫu nhiên ấy lại trở thành điều ý nghĩa nhất, giá trị nhận thức to lớn. Thực sự Động Người Xưa, thung lũng, ông lão Tọa… đã để lại ấn tượng đậm nét cho chúng tôi sau chuyến đi. Chính qua đó, chúng tôi đã bồi đắp cho kho tàng kiến thức, suy nghĩ vốn còn rất mỏng của mình nhiều điều mới lạ, thú vị.
HẢI DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét