TT - Cách Hà Nội khoảng 350km và tỉnh lỵ Cao Bằng 60km, Phia Oắc (còn gọi là Phja Oắc) đúng là một cõi “ngàn năm tiên cảnh”, như xưa kia chàng Từ Thức nhập thiên thai từ đây.
Chiêm ngưỡng “người anh hùng Phia Oắc” |
Con đường hơn 10km từ chân lên đỉnh núi - nơi cao nhất của “cánh cung Ngân Sơn” nổi tiếng - vòng vèo như muốn móc ruột người ta ra, nhưng càng lên cao sơn kỳ thủy tú càng trải ra vút tầm mắt.
Như lạc vào cõi thần tiên, mọi người nhớ ra cái ý “vô sự tiểu thần tiên” ở đời, để rồi hít căng lồng ngực, ngả nghiêng trước gió lộng bay người.
Rêu phong “rừng rêu”
Chúng tôi đi mải miết trong những rừng cổ thụ phủ đầy rêu. Có cảm giác như mỗi thân cây là một kho tàng, một cuốn lịch biên niên của mấy trăm năm băng giá, nắng nỏ, phong ba bão táp. Tất cả gọt mài vào đó. Cảm giác mỗi cái cây nghều ngào thân cành kia đều là một con thú đầy lông lá sắp nhảy nhót, hí tếu với khách lãng du.
Khám phá Phia Oắc, đầu tiên bạn sẽ trải nghiệm cảm giác 150km đường quanh co với nhiều khúc cua đến chóng mặt của quốc lộ 3 từ Bắc Kạn lên Cao Bằng. Cũng có thể đi từ Hà Nội, ngược quốc lộ 1, thẳng lên Lạng Sơn rồi vượt đèo Bông Lau sang. Dăm bảy chục cây số từ Cao Bằng vào Phia Oắc còn đáng sợ hơn, đường xấu, nhiều đoạn còn nổ mìn phá đá nham nhở. Để chinh phục Phia Oắc, bạn cần chuẩn bị kỹ càng đồ ăn thức uống, phương tiện leo núi... |
Gió lớn, anh em trực trạm phát sóng phát thanh quốc gia phải dùng đá hộc chẹn các cánh cửa kẻo gió ngẫu hứng đẩy tất cả lên trời. Mỗi lúc gió về, tiếng ầm ào từ ngàn cây vọng lại, rừng trúc lùn lại ngả nghiêng, uốn lượn.
Tất cả chúng tôi ùa ra, như đã hò hẹn từ lâu lắm, mỗi người xoắn xuýt lấy một thân cây kiên cường, vạm vỡ như vị tướng trên đỉnh đồi gió hú. Cây nào còn sống, còn trụ vững trước gió cả và rét mướt đóng băng, cây đó chính là một vị anh hùng Phia Oắc.
Nhóm anh chị em ở Đài PTTH tỉnh Cao Bằng, nhiều người tháng nào cũng phải lên Phia Oắc tiếp tế cho anh em trực trạm, nhưng mỗi khi thở phào trông thấy các đỉnh núi cao, ai cũng nhao ra, bần thần sung sướng ngắm các dáng đại thụ kỳ vĩ.
Những cổ thụ cây lan man rêu, mốc, cây ký sinh đứng giữa rừng trúc xanh xanh tim tím trong nắng chiều lạnh buốt. Dưới xa xăm hàng chục cây số, thu vào tầm mắt là điệp trùng rừng núi. Rừng dày lắm, lớp lang, thâm u.
Những thảm rêu dày cả gang tay, trải dài như vô tận, êm ái đến mức ai cũng muốn “ngả mình bên liếp cỏ ngủ ngon lành”...
Tháp ăngten của trạm phát sóng phát thanh quốc gia trên đỉnh núi - Ảnh: L.Q. |
“Đất lành”
Bao nhiêu kỳ hoa dị thảo kia sở dĩ có ở Phia Oắc là bởi tiểu vùng khí hậu rất độc đáo nơi này. Nhiều năm cả nước không nơi nào có mưa tuyết thì chỉ một mình Phia Oắc có. Anh chị em Đài PTTH Cao Bằng thường xuyên phải chờ nổ mìn phá đá thông đường để lên Phia Oắc, nằm phục kích trên đỉnh núi quay những thước phim tuyệt kỹ về băng giá để phát sóng.
Băng tuyết giết chết nhiều thảm thực vật nhưng cũng nhuận sắc cho các báu vật thiên nhiên.
Đó cũng là lý do để từ gần một thế kỷ trước người Pháp đã khai phá và tôn vinh giá trị của Phia Oắc. Các khu nhà nghỉ dưỡng cuối tuần, các biệt thự xây bằng đá tảng, hệ thống hầm lò khai quặng xuyên sơn dài nhiều cây số.
Khu nhà đỏ vẫn đứng uy nghi, có cảm giác bây giờ chỉ cần quét dọn là các vị bá tước nào đó từ trời Âu có thể nhâm nhi vẻ đẹp, sự trong lành của miền đất thượng đế đánh rơi này.
Bên cạnh các khu biệt thự là hệ thống rừng già, các rặng thông cổ thụ, vòng gốc hai ba người ôm chưa kín. Thông ấy là cụ là kỵ của xứ ngàn thông Đà Lạt hay đất mơ màng thông reo Tam Đảo. Lưng chừng núi, khu sĩ quan Pháp dựng lâu đài sinh sống, thuận nguồn nước, thuận cả bố phòng.
Đặc biệt, nông dân các xã dưới chân núi còn choáng váng khi nhận ra: cả Phia Oắc duy nhất hõm núi ấy quanh năm không bao giờ quá lạnh hay quá nóng. Mỗi khi đàn trâu thả bán hoang dã của bà con người Dao bị băng tuyết đỉnh núi hay cái nóng nồng của chân núi hành hạ, đều tự động lên khu biệt thự hoang mà sống.
Nhiều bà con người Dao và nhiều doanh nghiệp đã tận dụng khí hậu lý tưởng này để nuôi cá hồi. Bốn năm qua, đàn cá hồi khu vực Phia Oắc sau khi vượt ngàn trùng từ nước ngoài sang Cao Bằng đã phát triển rất tốt.
Là chốn “rừng vàng, núi bạc” theo đúng nghĩa đen, Phia Oắc còn là nơi khởi nguồn năm con sông lớn trong khu vực, trong đó có sông Bằng - sông Hiến. Nước từ các sông núi của khu rừng đặc dụng Phia Oắc dồi dào đến mức đủ để người Pháp xây dựng nhà máy thủy điện...
Hệ thống hầm lò đào quặng đứng ở góc độ nào đó cũng là những di tích đáng tham quan, nghiên cứu, thậm chí có thể dọn dẹp để đưa vào khai thác du lịch.
Đúng là một nơi tiên cảnh, nếu chúng ta biết khai thác và tôn vinh xứng tầm.
LÃNG QUÂN
Trải rộng trên ba xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình), Phia Oắc là rừng đặc dụng, là kho di sản vô giá của miền đông bắc. Với đỉnh cao 1.931m so với mực nước biển, cao hơn thị trấn du lịch Sa Pa 450m, cao hơn Ba Vì, Tam Đảo gần 1.000m, chưa “có đai có đẳng”, nhưng ngần ấy cũng đủ để Phia Oắc là nóc nhà tỉnh Cao Bằng và miền đông bắc VN, nơi các chuyên gia chọn mặt gửi vàng để dựng cột ăngten cao 75m - trạm phát sóng phát thanh VN. Đặc biệt không nằm ở chỗ cao nhất hay cao nhì, Phia Oắc hút hồn tao nhân mặc khách bởi phong cảnh trữ tình riêng có. Việc tỉnh Cao Bằng quyết tâm quy hoạch Phia Oắc làm rừng đặc dụng, khu bảo tồn, vườn quốc gia, làm du lịch sinh thái với diện tích hơn 300.000ha, nuôi cá hồi quy mô lớn... chung quy cũng vì ba chữ “tiểu thần tiên” mà trời ban cho vùng núi cao thường có băng tuyết này. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét