Do nằm giữa lòng TP Cà Mau nên có thể nói sông Gành Hào là đầu mối giao thông và cũng là đầu mối giao lưu kinh tế giữa các dòng sông, kinh rạch, giữa các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Cà Mau. Có thể nói sông Gành Hào là nơi tập trung nhiều nhất các loại phương tiện giao thông đường thủy của tỉnh Cà Mau. Mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện - nào là tàu đò, ca-nô cao tốc, đò máy, đò chèo, ghe lườn... tấp nập ngược xuôi chở hành khách và hàng hóa đến với các địa phương và ngược lại từ các địa phương các phương tiện chở người và hàng hóa cùng hướng về sông Gành Hào để đến với TP Cà Mau.
Chợ nổi trên sông Gành Hào
Điểm đặc biệt và ấn tượng nhất ở sông Gành Hào là chợ nổi trên sông. Trên đất nước Việt Nam của chúng ta, có nhiều cái chợ rất mang tính đặc thù của địa phương mà ai cũng muốn một lần được đến để xem, để biết như chợ Âm phủ ở Đà Lạt, chợ Tình ở SaPa, chợ Viềng ở Nam Định... Chợ nổi trên sông Gành Hào ở Cà Mau cũng mang tính đặc thù của vùng sông nước Nam Bộ nói chung và Cà Mau nói riêng. Chợ trên sông họp cả ngày lẫn đêm, nhưng chỉ có buổi sáng sớm là tấp nập và náo nhiệt nhất. Ghe chở hàng - chủ yếu là các loại trái cây từ các tỉnh ĐBSCL tập trung đậu thành hàng dài trên sông, trên mỗi ghe đều cắm một cái cây treo lủng lẳng các loại rau củ, trái cây, nào là mận, xoài, nhãn, chôm chôm, khoai lang, bí rợ, bí đao, củ sắn, mít, ổi, sầu riêng... nói chung là tất cả các mặt hàng trong ghe có bán đều được treo lên cây cắm trên mui thuyền chứ không hề có bảng hiệu như các tiệm tạp hóa ở trên bờ. Hàng hóa trên ghe được bán vừa sỉ vừa lẻ, nhưng chủ yếu là bán sỉ giá cả rất rẻ, do vậy các chợ đầu mối thường đến lấy hàng để đem về bán lẻ ở các chợ nên chợ nhóm họp đông nhất vào buổi sáng sớm. Tiếng mái chèo khua nước lao xao, tiếng máy đuôi tôm tì tạch, tiếng nói cười rộn rã, kẻ bán người mua nhộn nhịp cả một khúc sông tạo thành một âm thanh rất riêng của chợ nổi. Đây là một kiểu quần cư mang một phong cách sống và là một nét văn hóa - văn hóa sông nước hết sức độc đáo và hấp dẫn của chợ nổi trên sông Gành Hào ở Cà Mau, làm đọng lại trong lòng rất nhiều du khách khi được ghé thăm, chiêm ngưỡng.
Sông Gành Hào ngoài phục vụ cho giao thông, còn góp phần điều hòa khí hậu, cải tạo môi trường sống cho thành phố đông đúc, náo nhiệt và đặc biệt là làm cho thành phố cuối cùng cực nam của Tổ quốc thêm phần lãng mạn và thơ mộng.
Cầu Gành Hào bắc qua sông Gành Hào nối liền quốc lộ 1A từ Cà Mau về các huyện vùng sâu, vùng xa
Khu vực bến tàu B đi các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển
Đi chợ
Lấy thuyền làm nhà, lấy sông nước làm bạn
Phóng sự ảnh : PHƯƠNG THẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét