Rời chợ trên sông Cà Mau, chúng ta như được sống với những người dân mộc mạc, hiếu khách dọc trục lộ thủy này… Ghé vào bất kỳ một ngôi nhà nào chúng ta cũng bắt gặp sự hiếu khách của cư dân vùng cực nam. Một xị đế, mấy con chạch, con lươn, cá lóc nướng trui, một ít sò, dăm quả khế xanh, vài ba quả ổi vườn… là làm nên một bữa nhậu. Chủ nhà hay khách vãng lai, đã ngồi vào chiếu, đã cạn ly là phút chốc thành bạn hữu, thành anh em.
Và cuộc hành trình xuôi con sông Cà Mau của chúng tôi cũng ghé vào một ngã ba - ngã ba sông đầy ắp huyền thoại - Ngã ba Tắc Thủ. Tương truyền xưa kia trên bước đường bôn tẩu, vì quân Tây Sơn truy quét, Chúa Nguyễn đã về đến vùng đất Cà Mau để lập căn cứ phòng thủ. Ngã ba sông này là một căn cứ phòng thủ từ xa của Chúa Nguyễn. Khi quân Tây Sơn vào đến nơi đây thì căn cứ này không địch nổi với sự hùng mạnh của thủy quân Tây Sơn, nên căn cứ bị phá thành bình địa. Người dân quanh vùng gọi nơi đây là ngã ba thất thủ. Sau này chúa Nguyễn lên ngôi vua, do trong Hoàng tộc có một chi phái dòng họ Tôn thất nên người dân vì kỵ húy nên đọc trại ra là ngã ba Tắc Thủ, cái tên đó còn vọng đến bây giờ và cũng nên xem đây như là một giả thuyết của lịch sử mà thôi!
Một ngã ba sông: nơi này là điểm cuối của con sông Cà Mau, điểm khởi đầu xuôi về huyện Trần Văn Thời có Sông Đốc và điểm giao nhau còn lại xuôi về Thới Bình có con sông Trẹm thơ mộng.
Anh bạn chủ nhà hiếu khách tên Hưng, giọng sang sảng, phóng khoáng, đặc trưng Nam Bộ, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà vừa xây xong bên cạnh ngã ba sông này. Anh nâng ly rượu và nói : Các ông biết không, nơi đây là vùng đất duy nhất mà tiếng gà gáy sớm làm cho người dân cả ba huyện cùng thức giấc. Chỗ mình đang ngồi uống rượu thuộc xã Khánh An của huyện U Minh, bên kia là xã Lợi An huyện Trần Văn Thời, còn doi đất chếch về hướng còn lại là xã Hồ Thị Kỷ huyện Thới Bình.
Một vị trí địa lý đặc biệt, xã Lợi An nơi có ngôi đền thờ Ông Đốc- một võ tướng thời xưa mà con sông Ông Đốc gắn liền với tên ông. Ngày nay đền thờ ông tại xã Lợi An còn có sắc thần vua ban tồn tại đến bây giờ. Xã Hồ Thị Kỷ - quê hương của một nữ anh hùng cách mạng của Cà Mau để giờ đây người dân lấy tên chị gắn liền với tên quê hương. Xã Khánh An - một xã ghi dấu son cho công nghiệp hóa vùng đất trẻ này, nơi đây đang từng bước xây dựng hoàn thiện cụm công nghiệp lớn bậc nhất nước, đó là cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau. Với những huyền thoại và hiện thực đan xen như vậy, ngày nay cư dân ngã ba Tắc Thủ từng bước làm giàu trên vùng đất mà xưa kia chỉ cỏ và cỏ… Cư dân nơi đây sống bằng nghề nuôi tôm và lập vườn, còn những hộ ven sông thì sinh sống làm ăn nhờ những dịch vụ mua bán cho những con thuyền ngày đêm tấp nập trên ngã ba sông này.
Cà Mau sông nước đã tạo nên những vùng đất trù phú, những huyền thoại. Ngày nay, Cà Mau còn có những vùng đất công nghiệp hiện đại và không thể không nhắc đến những con người phóng khoáng, khẳng khái, trung thực… mà những nhà văn hóa gọi là Nam Bộ tính. Tính cách người Nam Bộ không thể lẫn vào đâu được. Hãy một lần đến với Cà Mau - vùng đất cực nam này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều ấy…
ĐÀO TUẤN - LÊ NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét