Rời ngã ba Tắc Thủ, xuôi theo dòng sông Trẹm thơ mộng, con sông đã đi vào thi ca một thời - phải nói ấn tượng đầu tiên đem lại cho chúng tôi là thoang thoảng hương tràm từ những cánh rừng ven sông thổi lại. Thới Bình nằm trải dài theo dòng sông Trẹm - con sông uốn lượn giữa rừng tràm, phân chia hai miệt U Minh, con sông gợi nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nghệ sĩ và chính những cư dân bản xứ mộc mạc. Đến tận bây giờ, con sông Trẹm vẫn được xem là một trong những con sông gợi cảm nhất nơi vùng đất cực nam Tổ quốc này. Và đặc biệt hơn, trung tâm của huyện Thới Bình lại nằm bên đôi bờ kênh Chắc Băng - một nhánh rẽ của con sông Trẹm, nơi đây người ta quen gọi là Thới Bình thôn - một nơi với nhiều huyền thoại đan xen trong đời sống thực của người dân.
Ngã Ba sông Trẹm và dòng kinh Chắc Băng
Khu phố cổ Thới Bình
Ngã Ba sông Trẹm và dòng kinh Chắc Băng
Khu phố cổ Thới Bình
Người xưa kể lại rằng, trên đường bôn tẩu vì sự truy đuổi của quân Tây Sơn, một hôm Chúa Nguyễn lâm bệnh nặng nên sai đoàn tùy tùng của mình dừng chân bên bờ kênh và trú ngụ lại trong mảnh đất Thới Bình thôn này. Hằng ngày quá lo cho bệnh tình của Chúa nên các lương y từ khắp nơi đổ về cứu chữa. Hết người này vào xem bệnh thì đến người khác nhưng do bệnh tình quá nặng nên khi trả lời với những vị quan đại thần thì đa số đều nói là chắc băng (chắc là Chúa sẽ băng hà trong nay mai ) và hai tiếng chắc băng được truyền đi khắp quân lính. Nhưng rồi bệnh tình của Chúa lại được chính một lương y tại Thới Bình thôn chữa khỏi. Và cũng từ đó, Chúa lấy hai từ Chắc Băng đặt tên cho con kênh này để tưởng nhớ công ơn người dân quanh vùng đã cứu Chúa khỏi cơn thập tử nhất sinh. Thới Bình thôn được Chúa chọn làm nơi dừng quân lâu nhất. Và vì trên đường bôn tẩu, Chúa lại đem theo nhiều cung phi mỹ nữ nên sau khi Chúa rời nơi đây, những cung phi mỹ nữ này Chúa cho ở lại định cư để làm ăn sinh sống nơi đây. Phải chăng điều này lý giải được đa phần con gái Thới Bình thôn đều có vẻ đẹp kiêu sa, đài các, vẻ đẹp của bậc mệnh phụ phu nhân và phải chăng là do gen di truyền của những bậc cung phi mỹ nữ của Chúa thời xưa?
Trở lại với đời sống thực - huyện Thới Bình thuộc tỉnh Cà Mau. Diện tích 625,4km2, gồm các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Địa hình đồng bằng duyên hải. Có các kênh rạch như Chợ Hội, Chắc Băng và Sông Trẹm chảy qua. Người dân trồng lúa và cây ăn quả, trồng rừng tràm, nuôi cá, tôm, vịt, gác kèo ong lấy mật. Tiếp chúng tôi trong khu vườn xoài mát mẻ giữa Thới Bình thôn, Chú Tám Thanh - một trong những chánh bái của Đình Thần Thới Bình, nói : Cái nghèo đói xưa kia của Thới Bình như được từng ngày xóa sạch bởi người dân ngày càng năng động hơn trong việc chọn mô hình sản xuất phù hợp với đất địa trong vùng. Và rồi chú hăm hở kể tiếp: À! chú mày biết không dân rừng tràm sắp tới khỏi lo đầu ra cho cây tràm rồi, nghe đâu anh Bí thư Hoàng mới tìm được đối tác và đang mời họ về đầu tư xây dựng một nhà máy giấy ngay tại Thới Bình thôn này.
Hàng cây cổ thụ tồn tại từ lâu tại Thới Bình Thôn
Chùa Bà Thiên Hậu tại Thới Bình
Chùa Bà Thiên Hậu tại Thới Bình
Nghe đến đây chưa biết dự án tiến độ khả thi như thế nào nhưng một chính quyền, một đảng biết lo cho cái ăn của từng bộ phận người dân thì chắc rằng Đảng sẽ là chỗ dựa vững chắc của từng người dân.
Rảo quanh thị trấn Thới Bình - đứng trên cầu Thới Bình bắc qua kinh xáng Chắc Băng, cả thị trấn thu vào tầm mắt. Dòng Chắc Băng như dải lụa xanh kéo dài vô tận. Xa xa những mái nhà ngói rực đỏ với nhịp sống mới của người dân. Tàu ghe xuôi ngược theo dòng. Được xây dựng từ lâu, những mái phố cổ đã nhuốm màu rêu phong, nép mình dưới hàng cổ thụ. Nên chăng, chính quyền địa phương có phương án khả thi để bảo tồn phố cổ này - nơi đây sẽ là một địa điểm du lịch đắc địa cho khách nhàn du. Cách phố cũ không xa, nằm cạnh bờ sông Trẹm là Miếu bà Thiên Hậu. Miếu có lịch sử hơn 100 năm. Kiến trúc giống Miếu bà Thiên Hậu ở Tp.Cà Mau, nhưng nhỏ hơn. Ngoài tượng bà Thiên Hậu - thần bảo hộ của người Hoa xa xứ, xung quanh điện thờ hiện diện khắp nơi hình ảnh của Quan Công - người đại diện tiêu biểu cho sự trung nghĩa, tiết tháo của bậc chính nhân quân tử. Ngoài các nghi lễ truyền thống, vào các ngày 20, 21 tháng 3 âm lịch hằng năm, người ta tổ chức lễ rước bà Thiên Hậu sang đình Thới Bình cách đó chừng cây số để dân làng cúng bái khi dự lễ kỳ yên. Một nét văn hóa đặc sắc của Thới Bình thôn.
Một lần về với Thới Bình thôn để trò chuyện cùng những cô thôn nữ bên dòng kênh Chắc Băng và nghe những điệu lý câu hò…
ĐÀO TUẤN - LÊ NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét