Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Huyện Sử - Một vùng đất

 Xuôi dòng con kênh Chắc Băng về hướng tây chúng tôi bắt gặp một ngã ba trù phú, dưới sông trên bờ tấp nập người mua kẻ bán. Những sản vật đồng quê từ khắp nơi, những mặt hàng gia dụng cao cấp từ phố thị cùng về hội tụ nơi đây…

Cây sộp cổ thụ đã tồn tại trên vùng đất này hàng trăm năm qua
Một góc Nhà máy Đường Thới Bình
Bến đò Huyện Sử 
    Mà đúng rồi, một hướng từ thành phố Cà Mau đổ về, một hướng từ Thới Bình thôn đi ra và hướng còn lại giúp ta đi về Kiên Giang - nơi giáp với Biển Tây của Vịnh Thái Lan. Bởi là ngã ba nên đã bao đời nay, nơi đây là nơi hội tụ của sự mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân quanh vùng. Vâng! Bao đời nay người dân quanh vùng ngoài việc mua bán trao đổi hàng hóa thì những nông dân bản địa thường sống bằng nghề nông đó là trồng mía và ép đường bằng những lò đường thủ công với những ống khói xả khói bay cao, thơm lừng mùi mật của mía mỗi khi vụ mùa đông ken. Còn những cô thôn nữ, những người già thì công việc nông nhàn của họ là nghề đan đát làm ra cho đời biết bao là sản phẩm bằng tre trúc mang đậm tâm hồn người Việt… Những ngành nghề thủ công này một thời mang lại danh tiếng cho cả một vùng đất mang tên Huyện Sử. Lùi lại quá khứ, nghe một người già xứ này kể lại lai lịch một vùng đất: Xưa kia, thời phong kiến, vùng đất này được cai trị bởi một vị quan huyện có tên cúng cơm là Sử - vị quan này luôn chăm lo cho cái ăn, cái mặc của người dân quanh vùng và còn giúp dân làng phát triển những làng nghề thủ công, nên người dân quanh vùng nhớ ơn, gọi tên vùng đất này là Huyện Sử vậy. Đó là chuyện ngày xưa. Còn chuyện ngày nay, trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta nơi này đã sản sinh ra hai anh em ruột, người anh tên Trí và người em tên Phải cả hai đều theo quân kháng chiến và chiến đấu rất ngoan cường, được nhà nước ta phong Anh hùng… Ngày nay nhân dân Cà Mau đặt tên cho vùng đất này là xã Trí Phải, như để nhắc lại một khí phách anh hùng của người dân vùng đất Huyện Sử này. Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay về tên gọi một vùng đất là như vậy… Thế còn vùng đất này người dân sống như thế nào? Hộ đói nghèo giảm còn dưới 10%, nhà kiên cố chiếm tới hơn 80%, gần 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, vì tại đây hệ thống giáo dục được phủ kín 100%, tương tự người dân luôn được chăm sóc y tế ngay tại địa phương… Đặc biệt, nơi đây đã mọc lên một công trình mệnh danh là công nghiệp hóa nông thôn đó là một nhà máy đường hiện đại đã hoạt động thay thế cho những lò đường thủ công xưa kia… Còn nhiều, nhiều sự đổi thay trên vùng đất này - một vùng đất mang nhiều tên gọi của những con người - những con người Việt Nam…
ĐÀO TUẤN – LÊ NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét