Có đi dọc con sông Cà Mau, đoạn chảy ngang Tp.Cà Mau mới biết Cà Mau cần lắm sự quy hoạch quy củ để con sông Cà Mau tô điểm thêm cho Cà Mau một vẻ đẹp mượt mà, mà không phải thành phố nào cũng có được - Có mấy thành phố có con sông chảy xuyên qua thành phố nhỉ ?
Cống Cà Mau
Dệt chiếu
Làng quê yên ả
Thật vậy trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau của những năm cuối thế kỷ trước đã gắn cho con sông này một cái cống chặn dòng từ sông Phụng Hiệp đổ về - Cống Cà Mau - làm cho đoạn sông khi chảy xuyên qua thành phố vốn đã nhỏ do sự lấn chiếm lòng sông của những hộ dân cư ngụ nơi đây làm hẹp dòng sông và cứ thế sông cạn dần, rác không thoát khỏi để trôi đi và dòng sông đen cứ đen mà chưa có một giải pháp khả thi để cứu vãn. Đó là chuyện của các nhà quy hoạch, chuyện họ phải làm để xứng đáng là thành phố cực nam Tổ quốc.
Ghé thăm đời sống của cư dân ven sông Cà Mau đoạn mà chiếc cống đã và đang tồn tại, ta bắt gặp ngay một cuộc sống bình lặng của những người dân quê chất phác cho dù nơi đây cách Tp.Cà Mau hối hả, bon chen chỉ chừng 2km đường chim bay. Người dân quanh đây đa phần làm nghề nông, trong những năm gần đây thì có chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang nuôi tôm nhưng đa phần làm ruộng, nuôi cá ao hồ và trồng lác dệt chiếu - một nghề truyền thống được cha ông truyền lại từ bao đời nay. Chị Thủy ngụ tại Ấp 6, xã Tân Thành nằm bên bờ sông Cà Mau, cho biết: Nghề dệt chiếu là nghề truyền thống từ bao đời nay nên chỉ có phát triển chứ không bao giờ bỏ nghề. Trung bình trong mỗi ngày nông nhàn, với hai người dệt thì làm ra được một chiếc chiếu bông, nếu là hàng đặt thì sau khi trừ chi phí, lãi được từ sáu đến tám chục ngàn, còn nếu làm hàng chợ thì lãi khoảng năm chục ngàn, cũng đủ đắp đổi qua ngày mà tồn tại cùng nghề. Và chị còn cho biết, hiện nay những hộ làm chiếu nơi đây đang chuẩn bị thành lập một hợp tác xã nghề chiếu để làm ăn quy củ hơn, đảm bảo hơn và có điều kiện để phát triển làng nghề hơn. Được biết, để có được đôi chiếu, người dân nơi đây phải kỹ lưỡng khi chọn đất trồng lác, rải bố vì đó là hai chất liệu chính để cho những đôi chiếu ra đời. Với đôi bàn tay tài hoa và kinh nghiệm truyền đời của mình, những người ở làng nghề dệt chiếu đã làm đẹp cho đời, điểm tô hạnh phúc cho bao cặp tân hôn với đôi chiếu lẩy mới tinh khôi với những lời chúc tốt đẹp “Trăm năm hạnh phúc”. Muốn có được một đôi chiếu lẩy chữ hoặc bông hay hình hoa văn, người dệt chiếu phải chọn những cọng lác đều nhau, bóng mượt dài gần hai thước và những cọng trân tốt được xe mịn từ vỏ cây bố, và phải định màu tỉ mỉ trong khâu pha phẩm, chọn màu nhuộm khi lẩy chiếu có độ tương phản rực rỡ và không phai màu. Và người dệt chiếu còn phải là một “họa sĩ”, chọn từng cọng lác có sắc màu thích hợp để lẩy sao cho khi hoàn chỉnh trên mặt chiếc chiếu hiện lên một mảng màu, với những biến tấu hoa văn như ý muốn. Thế đấy, đôi chiếu đã là những nét văn hóa không thể thiếu trong mọi gia đình người Việt, dù họ đang ngụ cư trong những villa sang trọng hay một cái chòi che nắng che mưa thì chiếc chiếu vẫn còn song hành mãi mãi. Khi sinh ra, trẻ em cũng được chiếc chiếu nâng niu giấc ngủ, khi dựng vợ gả chồng, đôi chiếu cũng là nhân chứng của cuộc hôn nhân và rồi đôi chiếu được bày ra trên những bộ ngựa để cùng nhau ăn giỗ… Khi chết đi thì chiếc chiếu cũng được bó theo người về với đất…
Và Cà Mau - những làng sống ven sông dẫu ngày nay vắng đi những câu hò thất tình của anh bán chiếu nhưng vẫn còn mãi mãi những đôi tay dệt cho đời những nét tài hoa - tài hoa người dệt chiếu.
Câu vọng cổ vẫn còn vang mãi trong tai chúng tôi trên dọc con đường làm Cà Mau ký sự : “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm! Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm!”.
ĐÀO TUẤN – LÊ NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét