Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Thác Dài

Xuôi thuyền Kỳ Lộ
Qua ngả Thác Dài
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa bơ vơ miền ngược, nửa lạc loài miền xuôi

Thác Dài thuộc xã Xuân Quang, nằm giữa hai thôn Triêm Đức và Phú Sơn, cách Triêm Đức khoảng 5km và Phú Sơn khoảng 2km. Muốn đến Thác Dài, ta phải theo con đường phía bắc cầu La Hai lên trụ sở thôn Triêm Đức rồi cứ đường ấy lên khoảng 5km.

070423-ba-na.jpg
Thiếu nữ Ba Na - Ảnh: TRẦN QUỲ

Sông Kỳ Lộ đoạn này dài khoảng 500m, lòng sông có đá ngầm to nhỏ khác nhau. Về mùa mưa nước ngập lênh láng, mùa nắng nước cạn, có nơi đá nhô lên khỏi mặt nước, lòng sông nước sủi ngầu bọt, sóng vỗ lao xao. Những khoảng sông có độ dốc cao, tạo thành thác. Và cái  tên Thác Dài được lưu truyền.

Xuôi ngược qua thác Dài, người chèo thuyền và bạn phụ phải am hiểu gộp đá chỗ nào cao thấp, nước chỗ nào nông sâu. Cuối mùa xuân, nước bắt đầu cạn, các thuyền mua bán vội vã ngược dòng, bán buôn vài chuyến. Sông Kỳ Lộ nước chảy gấp, thuyền xuôi thì dễ dàng nhưng thuyền ngược rất khó đi.
Vùng đất này trước năm 1899 gọi là Thạnh Đức xã, thuộc tổng Xuân Phong của huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên (Địa Bạ Phú Yên của Nguyễn Đình Đầu), đông giáp La Hai, tây giáp vùng núi tỉnh Gia Lai, nam giáp huyện Sơn Hòa và Tuy An, bắc giáp vùng núi Vân Canh tỉnh Bình Định. Thạnh Đức là vùng đất bao gồm cả ba xã Xuân Quang 1, 2 và 3 và Xuân Phước ngày nay, nằm giữa lưu vực hai con sông Kỳ Lộ – Trà Bương. Đầu thế kỷ XVII, vùng này có tên là Phú Thành, về sau chia thành làng Phú Đức và xã Thạnh Đức. Từ năm 1899, Thành Thái bỏ xã lập làng và chia Thạnh Đức ra thành nhiều làng thuộc tổng Xuân Phương.

Sau Cách mạng Tháng Tám, bỏ tổng lập xã, làng Thạnh Đức và Phước Tân (Suối Ché) thành xã Thượng Trung, lấy tên nhà cách mạng chống Pháp Huỳnh Thượng Trung người làng Thạnh Đức.

Các làng Phước Huệ, Triêm Đức, Kỳ Lộ, Phú Giang hợp thành xã Bá Sự, lấy tên nhà yêu nước Nguyễn Hào Sự người làng Phú Xuân (Xuân Phước ngày nay). Làng Phước Lộ, Phước Nhuận, Hà Trung (Dồng Dài) thành xã Tú Trọng, lấy tên nhà cách mạng chống Pháp người địa phương có tên thật là Nguyễn Nho Trân. Ông đã tham gia phong trào chống Pháp cùng Võ Trứ và Trần Cao Vân.

Đầu năm 1947, nhập xã Bá Sự và Thượng Trung thành xã Xuân Quang, xã Tú Trọng thành xã Xuân Trường và theo quyết định của Ủy ban hành chính Trung bộ thì Đồng Xuân phải lấy chữ Xuân làm đầu cho tên các xã. Năm 1948, xã Xuân Trường nhập vào xã Xuân Quang, năm 1966 chia thành hai xã Xuân Quang A và B, năm 1981 chia thành ba xã Xuân Quang 1, 2 và 3.

Xuân Quang có hòn Nhọn cao 1318m, hòn Suối Hàn cao 1080m, núi rừng có nhiều cây gỗ quý như cây dó và cây bạc lá thường có trầm dùng để tinh chế các vị thuốc. Ngoài ra nơi đây còn có cây tô hạp hương mọc ở đầu nguồn Cà Tơn dùng trong ngành dược; có động vật quí hiếm như kỳ nhông bay, dộc đỏ đuôi, voi, bò tót. Đầu làng Phú Giang có núi Tranh (còn gọi là núi Nhọn) cao 531m, chân núi đổ về vực Ông. Vùng này trong kháng chiến chống Pháp là cơ xưởng sản xuất vũ khí của Quân khu 5 và là căn cứ khu 15 của tỉnh Daklak và Gia Lai, trong kháng chiến chống Mỹ là căn cứ của Tỉnh ủy và Huyện ủy Đồng Xuân.

Xuân Quang có truyền thống yêu nước và đấu tranh chống cường quyền áp bức. Nhiều nhà Nho đã lãnh đạo phong trào chống Pháp tiếp bước Lê Thành Phương như Nguyễn Hào Sự, Võ Sang, Huỳnh Thượng Trung và tham gia phong trào cách mạng buổi đầu như Phan Lưu Thanh, Bùi Xuân Cảnh, Nhật Hồng (Phan Ngọc Bích)…

NGUYỄN ĐÌNH CHÚC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét