Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Dạo quanh chợ tạm lâu đời nhất Hà Nội

(Dân trí) - Tồn tại từ nhiều thập kỷ nay như là sản phẩm của một giai đoạn mang tính lịch sử thời bao cấp, Chợ Giời là nơi bày bán đủ các loại hàng, từ cái nhỏ nhất như cái đinh, cục pin đồng hồ cho tới cái lớn như hàng điện tử, điện lạnh.

Chợ Giời, hay chợ Trời, là tên gọi dân dã của chợ Hòa Bình. Chợ bao gồm đoạn cuối của phố Huế và một phần các phố Đồng Nhân, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Thịnh Yên, Yên Bài và liên thông sang một phần khu chung cư Nguyễn Công Trứ.

Chợ Giời mua bán tất cả các ngày trong tuần
Chợ Giời mua bán tất cả các ngày trong tuần

Theo nhiều người dân sống quanh chợ kể lại: Vào những năm 1954-1955, có rất nhiều hộ gia đình tản cư vào miền Nam sinh sống, vì muốn bán lại các vật dụng của gia đình đã sử dụng nên họ đã tụ tập lại và chợ Giời được hình thành từ đó.

Tuy nhiên mãi tới những năm 1975-1986 cái tên chợ Giời mới được nhiều người biết đến. Bởi khi đó, người dân muốn mua hàng hóa “tem phiếu” thì vào cửa hàng mậu dịch quốc doanh, còn hàng ngoài luồng, thì ra vỉa hè, ra chỗ chợ không cần mái, tức là chợ Giời.

Là chợ tạm lâu đời nhất Hà Nội, chợ Giời vẫn được người ta nhắc đến là chợ bán đủ các thứ trên đời. Đó có thể là những cái nhỏ nhất như cái đinh, cục pin đồng hồ cho tới cái lớn như hàng điện tử, điện lạnh.

Rất nhiều linh điện cơ khí, điện tử được bày bán tại chợ.
Rất nhiều linh điện cơ khí, điện tử được bày bán tại chợ.

Được biết, cách đây hơn 10 năm, chợ Giời được coi là điểm kinh doanh phức tạp nhất của Hà Nội, các mặt hàng trộm cắp, lừa đảo được bày bán ở đây rất nhiều. Nếu không sành sỏi, hay ham đồ rẻ thì người mua dễ mắc phải những chiêu trò lừa bịp.

Hiện nay, với việc thành lập ban quản lí, lực lượng công an, bảo vệ mà việc lừa bịp đã được hạn chế tới mức tối đa và tình hình an ninh đã được thiết chặt mang lại sự an toàn cho khu chợ.

Nằm trên nhiều đoạn phố khác nhau nên các mặt hàng bày bán ở chợ được phân chia ra thành từng khu vực rõ rệt. Các sản phẩm phụ tùng xe máy, ô tô thì được bày bán ở gần cuối chợ, hàng điện máy, điện tử cũ: ti vi, máy tăng âm, dàn nghe nhạc hay các loại: CD, DVD, VCD được bày bán rất nhiều ở con phố Thịnh Yên. Lối vào chùa Vua là nơi bán linh kiện điện tử, đồ vi tính, phụ tùng ô tô xe máy. Khu vực cuối chợ chính là nơi bán “thượng vàng hạ cám”, đủ các loại hàng hóa.

Ngoài ra chợ còn có rất nhiều quầy hàng bằng tre nứa, phủ bạt ni lông. Mỗi hộ kinh doanh một khoang, tối đến thì cất hàng vào những chiếc hòm để ngay tại chợ. Sáng hôm sau lại dọn ra.

Các gian hàng được dựng bằng tre nứa, phủ bạt ni lông
Các gian hàng được dựng bằng tre nứa, phủ bạt ni lông

Các gian hàng được dựng bằng tre nứa, phủ bạt ni lông

Nếu là người đầu tiên đặt chân tới chợ Giời chắc chắn sẽ cảm thấy hoa mắt và dễ bị lạc đường bởi chợ có rất nhiều ngõ ngách và hàng trăm mặt hàng được bày bán san sát nhau.
Vì sự đa dạng của các mặt hàng tại chợ mà khách đến đây cũng thuộc các loại lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Đó có thể là những người thợ chuyên sửa chữa đồ điện tử, điện lạnh, hay nhiều chủ kinh doanh từ các tỉnh lân cận đến cất hàng, và không thiếu những người đến mua đồ cũ về sử dụng.

Cho đến nay, chợ Giời vẫn tồn tại bởi biết thay đổi để thích ứng nhu cầu của người mua và đã nhanh chóng trở thành “thương hiệu” quen thuộc về cung cấp linh kiện cơ khí, điện tử với giá cả hợp lí.

Bài và ảnh: Nhữ Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét