Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Nơi cõng xác chết duy nhất ở Việt Nam để bày tỏ lòng hiếu nghĩa

Đôi mắt của già Tênh đêm đó nhìn chằm chằm vào đống lửa đang cháy hừng hực, dường như mắt ông sáng hơn. Lời khẩn cầu dành cho người cha thân yêu vừa mất mấp máy trên môi. Đoạn, ông nhẹ nhàng nâng xác cha đặt lên lưng như một sự lưu luyến cuối cùng. Rồi những người khác trong làng khi có người thân tạ thế cũng làm như vậy.
Đêm hành lễ tiễn biệt và tâm sự với xác chết
Nghi lễ có từ bao giờ, những người Xê Đăng cũng không nhớ rõ. Nhưng dọc dài trong các bản làng Xê Đăng vẫn tồn tại một nghi lễ lạ lùng và đầy huyền bí là cõng người chết để bày tỏ lòng hiếu nghĩa. Sự sâu đậm trong cuộc sống dương gian được thể hiện chính trong sự quyến luyến cuối cùng đó.
Già  Đinh Y Tênh năm nay cũng đã gần 70 tuổi, ông là một trong những già làng Xê Đăng hiếm hoi nắm rõ các luật tục lẫn những nghi thức nhuốm màu “rừng rú” của người Xê Đăng. Sinh ra ở buôn R’leang, xã Ea Uy (Krông Pắk, Đắk Lắk), thế nhưng cuộc đời của ông cứ như một chuỗi dài du mục.
Ông kể rằng: “Nhiều nghi lễ thiêng liêng của người Xê Đăng đang mai một và mất dần đi, bởi vậy nên dù được sinh ra trong ngôi làng này nhưng từ suốt hai mươi năm nay tôi thường đi dọc dài khắp các bản làng để “tiếp lửa” cho đồng bào mình giữ lấy những nếp truyền thống của ông cha, bởi đó cũng là nét đẹp đẽ làm phong phú thêm cho nền văn hóa đó chứ”.
Đêm đó, một già làng uy tín vừa từ giã cuộc sống, từ giã nương rẫy mà về bên kia thế giới nên cả buôn làng như trang nghiêm hẳn. Thường, khi trong buôn có người trút hơi thở cuối cùng, già làng bắt đầu tổ chức buổi lễ tiễn biệt, buổi lễ diễn ra trang trọng dưới ánh sáng lửa và tiếng chiêng vang lên.
Già làng Đinh Y Tênh khẳng định lễ tiễn biệt người chết của người Xê Đăng là “đặc sản” không giống với bất cứ dân tộc nào ở Việt Nam, tuy nhiên, người Xê Đăng ở mỗi một vùng đất lại không áp dụng và thực hiện nghi lễ giống nhau. Đây cũng là điều để lại nhiều băn khoăn cho các già làng.
Sau khi lửa cháy lên phừng phừng, tất cả dân làng xếp thành vòng tròn, Đinh Y Tênh bắt nhịp bài hát bằng tiếng Xê Đăng có tên dịch ra “Đêm đưa hồn ma”. Trong bài hát đặc biệt này có đoạn:
“Hỗi một linh hồn/ Từ giã cõi tạm đi, từ giã cõi tạm đi/ Linh hồn hãy bình yên, bình yên như mùa rẫy đầy ắp no bụng/ Lửa thiêng, lửa ấm, những điệu ca sẽ đồng hành với linh hồn/ Hãy vương vấn nhưng hãy ra đi/ Hãy ra đi khi chiếc nhà mồ được hạ thổ/ Hỡi chim, hỡi rừng, hỡi những thần linh hãy chào đón hồn ma mới đang chuẩn bị được đưa vào rừng…” Lời hát dứt, tất cả lặng phắc, già làng Y Tênh nghiêm cẩm đọc một bài điếu ngay bên xác chết.
Ngược về phía Làng Tắk Giang chưa đầy 100 nóc nhà, thuộc  xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) chúng tôi cũng được đắm mình vào một ngôi làng người Xê Đăng với vô vàn những nghi lễ lạ lẫm. Họ cũng tiễn biệt người chết như người Xê Đăng ở Đắk Lắk, thế nhưng ở đây còn sáng tạo thêm một kiểu rất đặc biệt, là từng người một trong làng đến bên xác chết dành 5 phút để nói lời tâm sự.
Diễn bài kỹ thuật săn bắn trước khi cõng xác chết
Cứ như vậy, thứ tự từ người già đến người trẻ. Những lời tâm sự này chủ yếu mong cho linh hồn hãy siêu thoát và linh thiêng để phù hộ cho cây cối nương rẫy phát triển, được mùa bội thu chứ họ không bao giờ cầu mong các linh hồn này trở về bản làng mình.
Ông Y Sắc bảo: “Lúc sống có khi không tâm sự được với nhau nhiều, có khi ở cùng làng cả đấy mà chả mấy khi giáp mặt và nói chuyện được với nhau. Bởi thế nên trước lúc đi đưa ma, ai cũng phải bày tỏ những điều mình muốn ra cho linh hồn đó được nghe. Nếu không khi xác di chuyển đi rồi thì không còn nói được nữa.
Đặc biệt, đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ, mà còn tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa, bởi thế nên sau khi cõng người thân của mình đã chết những người đàn ông phải diễn một bài võ hoặc một thao tác kỹ thuật trong việc săn bắn thú rừng”.
Cõng xác chết để bày tỏ lòng hiếu nghĩa
Sau khi làm lễ tiễn biệt, người Xê Đăng không bao giờ khâm liệm xác chết ngay mà họ cõng cái xác đó quanh nhà và vượt qua nhiều cung đồi để đến huyệt chôn mới thôi. Ông Y Tênh bảo: “Vừa lìa đời nghĩa là xác chết vẫn còn chút hơi ấm vấn vương. Lúc đó còn có sự chia sẻ của người thân nếu không linh hồn đó sẽ rất lạnh lẽo. Mà cái sự lạnh lẽo đó sẽ khiến những con ma lành biến thành ma dữ đến quấy phá mùa màng”.
Sau đêm lễ tiễn biệt cái chết của ông Y Man ở buôn R’leang, xã Ea Uy hôm ấy, con trai ông là anh Y Toàn lặng người đi một hồi lâu rồi xốc cái xác cha lên lưng cứ thế cõng xác cha mình đi quanh ngôi nhà và cả khu vườn người cha từng khai hoang và canh tác suốt bao nhiêu năm ở đó nữa. Vừa cõng xác cha, Y Toàn vừa lẩm bẩm trong miệng điều gì đó cứ như hệt đang tâm sự với một người sống vậy.
Y Toàn thổ lộ rằng: “Đây là cách để người Xê Đăng của mình thể hiện lòng hiếu nghĩa và đạo làm con với bề trên của mình. Nếu không cõng xác chết là một đứa con bất hiếu đấy. Nếu là cha hoặc mẹ chết thì nhất quyết con trai cả phải là người cõng trước sau đó mới đến những người con thứ.
Y Toàn tin rằng những người xa rời cha, mẹ lúc chết thì sau này cũng sẽ bất hạnh liên miên và gặp nhiều rủi ro về sức khỏe. Để thể hiện tình nghĩa và sự quyến luyến sâu đậm những người con không chỉ cõng xác người thân mình quanh nhà, quanh vườn mà họ còn cõng lên tận nghĩa địa. Y Toàn bảo: “Lúc sống tôi rất thương cha mình. Bởi vậy nên nhất định tôi sẽ cõng xác ông đến tận huyệt mộ.
Ở đây không biết dùng xe tang đâu, cũng không khâm liệm ở nhà nữa. Chỉ tắm rửa sạch sẽ cho tử thi, mặc bộ quần áo mới và cõng họ ra nghĩa địa thôi”. Đặc biệt, những lời khẩn cầu gửi đến người thân được cho là linh nhất khi được thổ lộ trong lúc cõng xác chết. Những lời tâm sự này cũng không được tiết lộ cho ai biết, bởi có thể nó liên quan đến số mệnh của những người cõng xác chết thông qua việc kêu cầu.
Ngay bên cạnh nhà Y Toàn, anh Đinh Voan đến giờ vẫn cứ giữ trong lòng niềm băn khoăn rằng: “Cách đây 2 năm cha tôi mất, vì đang ốm, lên cơn sốt cao quá không cõng được xác cha mình lên nghĩa địa. Có lẽ vì thế nên ông ấy nghĩ mình không có hiếu mà chẳng chịu phù hộ gì cả, cứ làm gì thất bát nấy ôi. Niềm tin về tín ngưỡng này đã ăn sâu vào tiềm thức rồi, không làm là có tội đấy”.
Trở lại làng Tắk Giang tôi bần thần hỏi già làng Đinh Sắc: “Chẳng lẽ cứ phải cõng xác chết mới là có hiếu nghĩa ư, có nhiều cách thể hiện khác mà, không sợ như thế là mất vệ sinh ư…” Như “châm” đúng chỗ, ông Sắc hùng hồn tuyên bố: “Người chết cũng như người sống thôi, không có gì phải sợ cả. Chỉ sợ khi cái xác đó được chôn sâu xuống đất.
Còn không ôm, cõng thoải mái. Ai không cõng là không phải người Xê Đăng rồi. Có gia đình, không sinh được con cái nên anh em, họ hàng phải đến cõng đấy. Những xác chết này lại thường là rất thiêng đấy..”. Nói chưa dứt câu, ông Sắc chỉ tay ra phía nghĩa địa của dân tộc Xê Đăng bảo:
“Đấy, chỉ cách đây một tháng thôi, thằng Đinh Nhun nó cõng mẹ nó cả hai cây số đi bộ ra nghĩa địa đó mới khâm liệm đấy. Chắc là lòng hiếu nghĩa và tình thương của nó dành cho mẹ nó nhiều lắm, nhiều thì mới cõng khỏe được thế mà”.
Lòng hiếu nghĩa của người Xê Đăng tuyệt đối chỉ được biểu hiện và thổ lộ lúc cõng xác chết. Còn một khi đã được chôn xuống đất rồi thì dường như họ không ngó ngàng đến nữa. Ông Sắc tâm sự rằng: “Thổ lộ hết lúc cõng xác chết rồi thì sau đó phải để cho con ma nó được yên ổn và tập trung bảo vệ nương rẫy.
Trong một năm chỉ cúng hai lần để kêu các linh hồn về phù hộ cho con cháu thôi, nhưng mà trong lời khẩn cần cũng nói rõ về phù hộ xong thì hãy đi ngay chứ đừng vương vấn mãi để khiến trẻ nhỏ phải sợ hãi. Những xác chết được cõng đến mộ huyệt cũng phải do chính tay con cháu người chết đặt xuống, kiêng kị nhất là để đất lọt vào quan tài.
Trước đây quan tài chỉ bằng tre, trúc nhưng giờ đây có thêm ván nữa”. Ông Đinh Sắc cũng kể rằng xác chết phải được đặt xuống một cách chính xác, đầu hướng về phía mặt trời lặn. Không được vặn vẹo hay chỉnh xác chết nhiều. Nếu chỉnh xác sẽ khiến “con ma” đó ngủ không yên giấc và hay chui lên khỏi mộ thường xuyên để đi làm bậy.
Nhiều cộng đồng ở nơi khác cứ nghĩ những người chết do tự vẫn hay cây đè chết thì ắt sinh ra con ma dữ tợn, nhưng người Xê Đăng lại xem đó là những con ma bất hạnh, nhân từ. Nếu đặt xác người chết mà đầu ngược lại hướng mặt trời mọc thì linh hồn đó sẽ không bao giờ siêu thoát được. Y Toàn bổ sung thêm: “Không được khóc trong lễ tang đâu. Khóc nghĩa là làm các hồn ma tỉnh giấc. Chỉ được tâm sự thôi”.
Võ Thị (SBĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét