(Kienthuc.net.vn) - Có lẽ trên dải đất hình chữ S của đất nước ta,
không nơi nào có phong tục nói phét kỳ lạ như ở làng Huỳnh Công, xã Vĩnh
Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Không
chỉ giỏi nói phét, người làng Huỳnh Công còn rất giỏi vẽ tranh trạng dựa
theo những câu chuyện tiếu lâm mà người dân truyền tai nhau, tạo nên
một giá trị văn hóa vô cùng độc đáo ở Việt Nam.
Cả làng nói phét
Theo sử
liệu về làng Huỳnh Công thì truyền thống nói phét ở làng này đã trên
300 năm nay. Người làng Huỳnh Công được trời ban cho cái khiếu nói phét
khiến người dân từ già đến trẻ có thể nói phét ở bất kỳ chỗ nào dù là
đang làm đồng, ăn cơm, uống nước... thậm chí, họ còn tổ chức lễ hội lớn
để người dân tha hồ nói phét...
Đến
làng Huỳnh Công hỏi về truyền thống nói phét, người dân nào cũng tủm tỉm
cười và nếu cao hứng thì nói phét ngay lập tức khiến người nghe phải ôm
bụng mà cười. Người Huỳnh Công có lẽ biết nói phét từ trong trứng nước,
nên từ đứa trẻ mới lên sáu, bảy tuổi đã có thể nói phét sánh ngang với
các bậc lão làng đã non trăm tuổi.
Ông
Trần Đức Tường, Trưởng thôn Tây 1, làng Huỳnh Công cho biết: "Mỗi năm,
làng phải tổ chức một buổi để tất cả mọi người thi nhau nói phét. Nếu
người nào kể chuyện mà làm cho tất cả khán giả ôm bụng cười thì người đó
thắng cuộc. Những câu chuyện tiếu lâm này do người chơi tự nghĩ ra,
thậm chí khi đến hội thi, người dân có thể không cần chuẩn bị câu chuyện
nào từ trước mà căn cứ vào tình hình thực tế để nói phét gây cười".
Theo
các bậc cao niên trong làng thì truyền thống nói phét này ra đời cùng
với đời sống cần lao vất vả, quanh năm gió táp mưa giăng, đất đai cằn
cỗi. Trong quá trình lao động, người dân kể những câu chuyện tiếu lâm
gây cười để quên đi mệt nhọc tiếp tục làm việc. Vì những câu chuyện này
phát huy sức mạnh vô hình, mọi người có thể làm quần quật cả ngày trời
quên đi đói khát, mệt nhọc cho nên đời sống dân cư mới no đủ, êm ấm.
Chính vì thế nên truyền thống nói phét này mới được phát triển đến cực
độ như một liều thuốc tăng lực chung của cả làng.
Ông Trí và bà Liệu nên duyên vợ chồng nhờ tài... nói phét. |
Ông
Trần Đức Thắng, một người dân làng Huỳnh Công kể lại câu chuyện để minh
chứng cho truyền thống nói phét mấy trăm năm. Trước khi kể, ông nhìn
chúng tôi một lượt, miệng tủm tỉm cười rồi đưa chén trà lên môi nhấm
nháp và từ từ cất giọng: "Cách đây ít lâu, có mấy người dân trong làng
bỏ sắn lên xe bò rồi kéo ra chợ huyện bán. Do đường xa, lại phải đi bộ
nên họ phải đi từ lúc 4 giờ sáng. Khi ra đến đầu huyện thì mặt trời bắt
đầu mọc, cạnh con đường lớn có mấy người công an đang làm nhiệm vụ.
Trông thấy chiếc xe bò, họ chạy ra ngăn lại lập biên bản vì "chở gỗ
lậu". Khi bị công an bắt, mấy người dân ôm bụng mà cười. Thấy vậy công
an hỏi: "Cớ sao lại cười?", mấy người dân chở sắn liền dẫn mấy chú công
an đến chiếc xe bò rồi dùng dao chặt một nhát, nước và bột sắn trắng
xóa lưỡi dao. Đến lúc đó mấy chú công an mới tròn xoe đôi mắt ngỡ ngàng,
không ngờ củ sắn làng Huỳnh Công lại to như khúc gỗ, dài đến mấy sải
tay, thế nên họ mới bắt nhầm".
Trên
con đường dẫn vào làng Huỳnh Công, chúng tôi cũng bắt gặp những người
dân đang dọn dẹp những đống cây keo bị bão số 10 bẻ gãy như vừa có trận
bom quét qua. Họ vừa ra sức ghì lưỡi cưa máy vào mỗi gốc vừa í ới chọc
ghẹo nhau: "Người thì bảo: "Bên đó về lấy quần mặc cho mấy con trâu thả
rông rìa đường, ai lại để trâu cởi truồng ra đường thế không thấy xấu hổ
à?"". Câu nói vừa dứt, non chục người đang bó củi ôm bụng cười khoái
trá. Tiếng cười chưa dứt, từ bên kia cánh rừng vọng ra lời đáp: "Trâu nì
trâu ri (trâu rừng), ngày cày trăm mẫu, củi kéo ngàn cây, mặc quần vào
sợ vướng". Tiếng cười lại rộ lên một lần nữa trong khi người dân ai nấy
đều ra sức thu dọn đống cây gãy như thể chưa hề có trận bão nào càn quét
qua.
Chị Dạ Hương cũng là người vừa sưu tầm chuyện tiếu lâm vừa là người kể chuyện hay trong làng Huỳnh Công. |
Nên duyên nhờ... nói phét
Người
làng Huỳnh Công không chỉ biết nói phét trong chiến tranh, trong lao
động sản xuất mà trong tình yêu họ cũng biết phát huy cái khiếu nói phét
ấy thành điểm đáng yêu được nhiều người ngưỡng mộ.
Nhân
chứng nức tiếng trong làng Huỳnh Công nên duyên vợ chồng nhờ nói phét đó
chính là ông Huỳnh Đức Trí và bà Trần Thị Liệu ở thôn Tây 1, làng Huỳnh
Công. Khi còn trẻ, ông thường kể chuyện tiếu lâm mỗi khi tụ tập với bạn
bè, trong những buổi lao động công ích hoặc văn nghệ làng, xã. Tài nói
phét của ông lan nhanh đến mức giới sưu tầm văn hóa trong tỉnh ngoài
huyện đều biết đến. Thậm chí, khi Phòng Văn hóa huyện đến tìm ông để
nghe nói phét ông cứ ngỡ là bị... bắt vì cái tội hay nói phét. Thế
nhưng, các cán bộ làm văn hóa đến bày tỏ muốn được nghe ông kể lại những
câu chuyện tiếu lâm từ cổ chí kim để đưa vào một cuốn sách mang tên
"chuyện trạng Huỳnh Công" thì lúc đó ông mới té ngửa nhận ra rằng, chính
ông đang kế thừa nét văn hóa khác lạ mấy trăm năm làng trạng.
Nghe
khách lạ hỏi về chuyện lấy được vợ nhờ tài nói phét. Ông phá lên cười
sảng khoái, ông đưa chén nước lên môi nhấm nháp rồi kể về cuộc tình nhờ
nói trạng trong khi miệng cười tủm tỉm. Ông gọi bà Trần Thị Liệu từ
trong nhà ra rồi giới thiệu luôn: "Vợ tui đây nì. Hồi đó tui thường hay
nói chuyện tiếu lâm ở đám đông đó, không ngờ bà ấy nghe được và thích
thú, lần nào nghe tui kể chuyện bà ấy cũng cười lăn lộn, rồi qua mấy lần
diễn văn nghệ cứ thấy bà nhiệt tình giúp đỡ mấy việc lặt vặt như trang
điểm, rồi... ai ngờ bà ấy thương tui luôn đó".
Bà Liệu
thành thật rằng: "Ngày xưa ông ấy ngỏ lời tui cũng hơi... chột dạ,
trong lòng thì vui sướng lắm nhưng cũng sợ là ông ấy chỉ... nói phét cho
vui. Nhưng rồi hai chúng tui phải thề là phải nói... thật, thế là ông
ấy ăn nói rất nghiêm túc, đứng đắn, lại còn đòi xin phép bố mẹ hai bên
để làm lễ cưới. Đến lúc đó tui mới thở phào vì mọi chuyện là thật".
Ông Trí
nói vui với bà Liệu: "Vừa rồi thấy mấy đứa trẻ trong hội thi nói trạng
của làng chúng nó cũng có biểu hiện như tui với bà ngày xưa đó". Nói rồi
mọi người cười ngặt nghẽo vì cái phong thái, giọng điệu hài hước của
ông nhiều hơn là câu chuyện.
(còn tiếp)
"Mỗi năm, lễ hội nói trạng được tổ
chức một lần vào dịp Tết để cho người dân từ già tới trẻ tranh tài với
nhau, người thắng thì được nhận phần thưởng là sự ngưỡng mộ của dân
làng. Nhưng trên hết là phát huy được truyền thống văn hóa độc đáo của
làng Huỳnh Công mà không nơi nào có được".
Chị Hoàng Dạ Hương (Trưởng ban Văn hóa xã Vĩnh Tú)
Dương Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét