Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

“Vườn cà phê” lạ lùng nhất Ban Mê

(Kienthuc.net.vn) - Trong khi thương hiệu cà phê của Tây Nguyên đang phải mang những điều tiếng không hay, thì vẫn còn một "gã gàn" gần 20 năm đi nhặt đá để giữ hồn cà phê Ban Mê. 
Có lẽ việc sưu tầm đá chẳng có liên quan gì đến giữ gìn thương hiệu cho cây cà phê. Nhưng câu chuyện dưới đây, thì cách làm chẳng giống ai ấy lại rất hữu hiệu, ít nhất là với những người còn hoài niệm với cà phê Ban Mê.
Từ những khối đá cổ
Người Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) nói chung và những du khách gần xa đến với thành phố xinh đẹp nức tiếng cà phê Tây Nguyên, có lẽ chẳng ai còn lạ lẫm với ông Hoàng Thành - một lão gàn đúng nghĩa đã bỏ ra 20 năm trời săn tìm đá cổ.
Là người gốc Huế vào Tây Nguyên làm việc trong ngành cầu đường đã giúp ông Thành hiểu biết một cách căn cơ về các loại đá. Vì thế, mỗi lần cùng anh em đi làm đường đâu đó mà phát hiện ra các loại đá lạ, ông Thành đều giữ lại. Đó vừa là món quà kỷ niệm, vừa để nghiên cứu lịch sử văn hoá xa xưa của vùng đất Tây Nguyên này.
Khi sự nghiệp đang tiến triển tốt đẹp thì ông Thành xin nghỉ việc khiến bạn bè tiếc nuối. Những tưởng ông nghỉ việc để làm một điều gì đó to tát lớn lao nào ngờ, lại lọ mọ đi tìm những hòn đá vô tri vô giác về xếp đầy trong vườn nhà.
Chuông đá. 
Từ đó đến nay đã 20 năm ròng, lão gàn Hoàng Thành vẫn trung thành với sở thích không giống ai ấy. Hàng nghìn mẫu đá được ông Thành tìm kiếm với đủ mọi thể loại hình dáng. Từ những con sò, ốc, cúc đá hoá thạch đến chuông đá và tượng đá được quy tập về ngôi nhà nhỏ của ông ở gần trường Đại học Tây Nguyên.
Nhưng vào một ngày cả TP Buôn Mê Thuột phải sửng sốt khi một giáo sư đến Tây Nguyên và khám phá "kho báu" đá mà ông Thành đang sở hữu. Đó là GS TSKH Vũ Ngọc Hải - người được biết đến bởi những nghiên cứu về địa chất khoáng sản và từng là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. 
GS Vũ Ngọc Hải đánh giá về sự hình thành vùng đất Tây Nguyên là khoảng 200 triệu năm trước. Khi ấy, Tây Nguyên còn là biển mà chứng cứ thuyết phục nhất chính là những con cúc đá hoá thạch mà ông Thành có được. Lúc này, khối đá vô tích sự mà ông Thành tìm kiếm trở nên vô giá với lịch sử.
Thuyền độc mộc của đồng bào Êđê dùng để vượt sông Sêrêpôk. 
Đến vườn đá cổ tích
Sở hữu trong tay hàng trăm con cúc đá hoá thạch với định giá hàng chục tỷ đồng mà các đại gia đưa ra nhưng ông Thành quyết không bán, dù chỉ một mảnh nhỏ. Mãi sau này, khi GS Vũ Ngọc Hải ngỏ lời thì ông Thành mới để lại một phần di chỉ khảo cổ cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để nghiên cứu.
Số tiền nhỏ ấy không đủ, ông Thành liền cắm sổ đỏ vay nợ ngân hàng để xây dựng một vườn đá cổ tích trưng bày cho khách tham quan miễn phí. Trong khu vườn chẳng lấy gì làm rộng ấy, hàng nghìn mẫu đá qua các thời kỳ hình thành Tây Nguyên được du khách gần xa biết tới.
Trong số những mẫu đá cổ, nhiều và đặc sắc nhất là những con cúc đá hoá thạch với hình thù rõ rệt. Những con cúc đá này được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đánh giá có không dưới 200 triệu năm. Trên mỗi con cúc đá nếu soi bằng kính lúp lại thấy hình thù của những con sò hoặc ốc biển bám vào.
Thậm chí, trong khu vườn cổ tích ấy còn trưng bày được những hiện vật quý giá như bộ chuông đá hiếm hoi của Việt Nam và thế giới. Theo quan sát của chúng tôi, bộ chuông đá còn khá nguyên vẹn và khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh vừa rất hoang dã nhưng đầy mê dụ.
Tuy là người Huế, nhưng niềm yêu thích văn hoá Tây Nguyên đã khiến ông Thành dốc cả tâm lực vào khu vườn này. Nhà dài Tây Nguyên cũng được ông Thành sưu tầm và đặt cạnh góc vườn với đầy đủ "nội thất" như ghế dài, trống hội, cồng chiêng lẫn choé rượu Êđê.  
Ông Thành và con cúc đá hoá thạch 200 triệu năm. 
Giữ "hồn" Ban Mê
Người Tây Nguyên vẫn nói "linh hồn" của họ là hương vị cà phê. Thủ phủ cà phê ngon lại là Buôn Mê Thuột xinh đẹp. Nhưng vài năm trở lại đây, không chỉ người ngoài mà ngay cả người Tây Nguyên cũng thất vọng với chính cà phê mình sản xuất ra. 
Trong khi cà phê Tây Nguyên đang bị khủng hoảng niềm tin và khủng hoảng mùi vị thì ông Thành lại nghĩ ra cách giữ "hồn" cà phê Ban Mê trong chính khu vườn cổ tích lạ lùng ấy.
Ông Thành cho biết: "Khách đến vườn cổ tích tham quan rất đông, họ đều tỏ ý thất vọng với cà phê Tây Nguyên nên tôi nghĩ, mình phải có trách nhiệm quảng bá cà phê. Tôi tự đi chọn quả cà phê, về chế biến theo bí quyết của người Tây Nguyên xưa. Không hề có bất kỳ một loại hoá chất nào và cung cách lên men cũng hoàn toàn khác biệt so với cách làm công nghiệp".
Bã cà phê nguyên chất sau khi pha xong sẽ không có váng. 
Ông Thành tiết lộ, ở Tây Nguyên chỉ có hai khu vực ở Đăk Lăk là có đất thích hợp nhất với cà phê. Họ không dùng phân hữu cơ chăm sóc cho cây, cũng không có bất cứ một loại thuốc hoá học nào. Những hạt cà phê này khi phơi khô để vài năm sau cũng không bị teo lại.
Loại cà phê chính hiệu của Ban Mê không bao giờ được sử dụng ngay sau khi chế biến. Tất cả được cất giữ trong bao gai thông thoáng ở nhiệt độ vừa phải như người Ý vẫn làm. Phải một năm sau, cà phê này mới được đem ra sử dụng thì mùi vị mới đủ "chín".
Tuy nhiên, theo ông Thành, không phải cà phê nào đạt chuẩn cũng ngon. Ngon hay không lại do cách pha chế của người sử dụng. Dùng nước sôi 1000C để pha cà phê đã là sai lầm, nhưng nếu dùng sữa hoà vào cà phê thì càng sai lầm hơn nữa. Thậm chí, cà phê pha đường nhưng nếu không đánh cho cà phê nổi bọt thì vị cà phê Ban Mê cũng không hoàn toàn đúng nghĩa.
Có lẽ gã gàn như ông Hoàng Thành không chỉ là địa chỉ văn hoá mà còn rành rẽ đến gốc gác cà phê Tây Nguyên. Cho nên ngôi nhà nhỏ của ông đã trở thành điểm đến của những văn nhân, mặc khách khắp Bắc chí Nam. Họ đến vườn cổ tích không chỉ để hiểu tường tận Tây Nguyên mà còn muốn thấy hình hài hồn cốt Tây Nguyên bây giờ ra sao.
"Khi tôi bỏ việc nhà nước chuyển sang tìm kiếm đá cổ thì bị không biết bao nhiêu chỉ trích. Nhưng rồi dần dần họ hiểu ra cái việc mình làm là vì Tây Nguyên. Bây giờ khách nước ngoài đến đây họ cũng thích thú với các loại đá trong vườn cổ tích lắm. Họ bảo, làm sao Việt Nam có thể lưu giữ lại được những thứ đã có cách đây triệu triệu năm như thế".
Ông Hoàng Thành
Quách Hoà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét