Nem măng đắng được làm từ lá măng thay
cho bánh đa nem của người miền xuôi, nhân thịt gà tơ, gà đồi cùng lá hẹ,
củ kiệu băm nhỏ đậm chất núi rừng Tây Bắc.
Măng đắng là món ăn rất phổ biến của các dân tộc Tày, Thái, Mường… ở
khu vực miền núi phía Bắc. Măng đắng hầu như có quanh năm nhưng nhiều
nhất vẫn là mùa mưa - mùa măng mọc. Măng được chế biến thành nhiều món
nhưng độc đáo nhất là nem măng đắng. Đây không chỉ là món ăn dân dã của
người dân tộc miền núi mà còn là món yêu thích với những ai đã một lần
thưởng thức. Đến nay, nem măng đắng xuất hiện rất nhiều tại các nhà
hàng, quán ăn và là món khách du lịch không thể bỏ qua mỗi khi có dịp
đến với Lào Cai.
Mùa mưa được coi là mùa măng đắng ở Tây Bắc. Ảnh: dacsanvungmien
|
Nem măng đắng được chế biến theo bí quyết cổ truyền của người dân tộc Tày, độc đáo ngay từ phần vỏ bên ngoài. Loại
măng được chọn là măng vầu đắng. Theo kinh nghiệm của người hái măng
lâu năm thì khi những tiếng sấm đầu mùa xuất hiện cũng là lúc măng trên
rừng chuyển sang vị đắng. Người dân tộc mang theo gùi đi vào sâu trong
rừng, chọn lựa những mầm măng mới nhú để đủ độ giòn và ngọt. Sau đó đem
về luộc cùng chút muối cho bớt vị đắng chát, rồi mới lột lấy những tấm
lá bánh tẻ, mềm và dai như những tấm lụa mỏng làm vỏ cho món ăn.
Phần nhân nem được làm từ thịt gà, lá hẹ và củ kiệu băm nhỏ, nêm chút
hạt tiêu, nước mắm. Khâu chọn gà quyết định đến độ ngon đặc biệt khác lạ
của món ăn. Gà phải là gà tơ, gà đồi, nặng 0,5-0,7 kg, sau khi làm sạch
sẽ được người đầu bếp băm nhỏ cả xương lẫn thịt, gân và sụn.
Măng đắng không chỉ là món ăn phổ biến của đồng bào miền núi, mà còn của cả khách du lịch miền xuôi. Ảnh: dacsantaybac
|
Kế đến là công đoạn gói nem. Người làm phải thật sự khéo léo và tỉ mỉ
cho nhân vào từng lá măng, cuốn tròn lại làm sao để nhân không rớt ra
ngoài. Sau đó cho vào chảo mỡ rán vàng, riu riu lửa để nem chín đều, đến
khi đã vàng đều các mặt và có mùi thơm thì gắp ra đĩa.
Khi ăn, nhiều người không khỏi trầm trồ bởi hương vị đậm chất núi rừng
của món ăn, xen lẫn sự ngạc nhiên thích thú bởi vị giòn sần sật rất êm
răng, vị hơi đăng đắng của măng, vị ngọt béo của thịt gà, và mùi thơm
của các loại gia vị.
Nem măng đắng lạ miệng và thơm ngon. Ảnh: dantocviet.vn
|
Thưởng thức nem măng đắng bên bếp lửa bập bùng trong bữa cơm chiều ngày lạnh, bạn sẽ được những
già làng trưởng bản kể cho nghe về sự tích cây măng đắng trên rừng, gắn
liền với tình yêu trong sáng của nàng Bók và chàng Khôm, vì muốn bảo vệ
tình yêu đôi lứa mà tìm đến cái chết cùng nhau ở chốn rừng thiêng.
Cây măng đắng mọc lên có vị đắng của
tình yêu khổ hạnh, nhưng vẫn có vị ngọt thơm là minh chứng cho tình yêu
đẹp của núi rừng. Cũng bởi lẽ đó, người Tày ở Tây Bắc chỉ làm nem măng
đắng trong những ngày truyền thống của làng bản. Nhưng đến nay nó đã
xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn để quảng bá với du khách về văn hóa
ẩm thực nơi đây.
Lê Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét