Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Những chuyện chưa từng kể về gò Đống Đa

"13 gò đống chôn xác quân Thanh là nhân tạo hay thiên tạo?", "Vì sao hiện giờ chỉ còn một gò?"... đó là những điều chưa hẳn ai cũng biết.
Xuất xứ danh từ gò Đống Đa
Từ lâu, Thăng Long với 12 gò đống chôn vùi xác quân thù đã là một điều đi vào tâm thức người dân. Qua thời gian đến nay chỉ còn lại một gò là gò Đống Đa trên đường Tây Sơn. Trong cuốn Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, tác giả Doãn Kế Thiện đã ghi lại chi tiết câu chuyện về các gò đống này.
Sách cho biết: Sau khi chiến thắng quân Thanh, theo lời tâu của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung cho thu nhặt xác chết quân lính Mãn Thanh từ trại Thịnh Quang đến trại Nam Đồng thành 12 cái gò. Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), người ta mở đường mở chợ vào cánh đồng giáp giới hai làng Thịnh Quang và Nam Đồng. Khi đào đất để xây dựng thì chỗ nào cũng thấy hàng đống hài cốt chồng chất lên nhau. Biết đó là hài cốt quân Mãn Thanh còn sót lại, liền cho thu nhặt chôn vào một hố, rồi cũng đắp thành gò cùng một dãy với 12 gò kia tạo thành 13 gò.

 Gò Đống Đa. Ảnh: Internet.
Gò Đống Đa. Ảnh: Internet.
Gò thứ 13 này đắp ở ngay cạnh núi Ốc là chỗ tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Khi đắp đống người ta đã đắp dính vào với núi Ốc, rồi qua năm tháng lại đắp đất thêm vào nên chẳng bao lâu sau, gò thứ 13 này trở nên to và cao hơn hẳn các gò kia. Lại thêm vùng này xưa kia sau một năm bị nạn vỡ đê nước lụt, giống cây đa mọc lên ở khắp nơi.
Đây là một quan điểm đã đi vào tâm thức của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, giới nghiên cứu thì cho biết đó là những nhầm lẫn. Trong một bài đăng trên báo điện tử Petrotimes tháng 9/2012, nhà sử học Lê Văn Lan và Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên của Viện Khảo cổ học đều khẳng định rằng các gò Đống Đa đều là gò thiên tạo có từ hàng ngàn năm trước đây chứ không phải là do việc quy tập xác quân Mãn Thanh mà tạo nên.
Dù sao, những nghiên cứu cùng các thông tin truyền khẩu đều cho thấy rằng Thăng Long – Hà Nội xưa từng có nhiều gò đống ở khu vực lân cận gò Đống Đa ngày nay. Vậy giờ các gò khác đâu mất rồi? Điều này có được nhắc đến trong cuốn sách của Doãn Kế Thiện. Ông cho biết vào thời Pháp hoàn toàn làm chủ được Bắc Kỳ, để mở rộng phố phường, chúng đã phá nhiều làng xóm, san bằng nhiều gò đống ở khu vực ngoại thành và các gò Đống Đa đã bị phá thành bình địa trong thời gian ấy.
Một âm mưu bất chính liên quan đến gò Đống Đa
Sau khi Pháp đánh chiếm Hà Nội lần 2 (1882), Nguyễn Hữu Độ - một kẻ thân Pháp được cử làm kinh lược sứ Bắc Kỳ, kiêm chức hộ đốc Hà Nội. Muốn gây uy tín với nhân dân, y dựng lên đền Trung Liệt để thờ hai trung thần Đoàn Thọ, Trương Quốc Dụng cùng hai liệt sĩ là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Lúc đầu đền định lập ở phố Hàng Đũa, nhưng sau tin lời thầy phong thủy nói rằng kiểu đất ở chỗ định xây đền là kiểu “vạn thế huyết thực” ( ở đó sẽ được nhân dân muôn đời tôn kính cúng lễ) nên Hữu Độ nảy lòng tham mới lập mưu xây đền thờ chính mình tại đây, đền Trung Liệt thì cho xây ở nơi khác. Y giao cho hai thuộc hạ thân tín là Hoàng Cao Khải và Huyện Gà đứng ra cổ động tất cả quan lại, tổng lý và các nhà giàu khắp Bắc Kỳ để quyên một món tiền lớn để dựng đền thờ sống chính mình tại đó. Người ta gọi đó là Sinh Từ cho nên từ đó mới có tên phố Sinh Từ. Theo Wikipedia, phố Sinh Từ xưa chính là phố Nguyễn Khuyến ngày nay.
Nhưng đền chưa làm xong thì Nguyễn Hữu Độ chết, Hoàng Cao Khải lên thay làm kinh lược Bắc Kỳ. Năm ấy là năm 1890. Vẫn chưa thỏa lòng, Hoàng Cao Khải còn muốn làm to hơn nữa. Bởi thế, đầu tiên y chiếm hết đất đai của hai làng Thịnh Quang, Nam Đồng và một số ruộng của các làng xung quanh để lập ra một ấp gọi là Thái Hà ấp. Trong ấp, ngoài việc làm dinh thự của mình, y còn bắt tất cả quan lại các tỉnh, người nào có nhiều tiền, mua lấy một khu, làm nhà to và đẹp vây bọc xung quanh, sẽ được coi là dân ấp Thái Hà.
Ở giữa ấp, Hoàng Cao Khải cho lập một ngôi đình để thờ sống mình – học theo quan thầy là Nguyễn Hữu Độ. Hàng năm cứ vào dịp sinh nhật, vợ chồng Cao Khải ra ngồi đó, ép quan lại các tỉnh và dân ấp phải tế sống một tuần.
Tới lúc này y mới thực hiện ý định riêng của mình là rời đền Trung Liệt ở thôn Văn Tân xuống gò Đống Đa rồi đổi tên là đền Trung Lương và định sau khi chết sẽ đưa bài vị của y vào thờ trong đó. Theo Doãn Kế Thiện, vì âm mưu của Hoàng Cao Khải cho nên gò Đống Đa mới tồn tại đến nay mà không bị san bằng như các gò khác. Tuy nhiên, do sự phản đối quyết liệt của nhân sĩ Bắc Kỳ, ý đồ của Hoàng Cao Khải đã không thực hiện được.
Đền Trung Liệt quả cũng có được dựng lên nhưng vì ý đồ của Khải không thực hiện được mà nhân dân thì cũng chẳng mặn mà gì với nó cho nên chẳng ai quan tâm đến nó nữa. Bởi thế, chẳng bao lâu sau nó cũng sụp đổ nay chỉ còn lại dấu tích nền móng ở trên đỉnh gò. Âu đó cũng là sự đào thải của lịch sử.
Theo Kiến thức
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét