Nhiều họa sỹ, nhà khoa học
nghiên cứu về nhà cổ ở Quảng Nam gọi khu vườn nhà cổ triệu đô của cha
con ông Lê Văn Tăng là “bảo tàng” nhà cổ độc nhất vô nhị. Ở đó có gần
như đầy đủ các kiểu kiến trúc nhà cổ độc đáo khắp vùng miền Việt Nam.
Bộ sưu tập nhà vô giá
Mất vài chục năm sưu tầm, với bao tiền
của và mồ hôi công sức, giờ ông Tăng có thể tự hào về khu vườn nhà cổ
của mình. Khu vườn này có một không hai về thiết kế; nghệ thuật chạm trổ
công phu mà máy móc hiện đại cũng “bó tay”.
Ông bảo, mỗi khi nhìn những căn nhà cổ
có kiến trúc đẹp, lạ như vậy, nhưng lại oằn mình chờ sụp đổ do gia chủ
không đủ kinh phí để duy tu, ông thấy đau lòng. Vì thế, ông sẵn sàng mua
nếu chủ nhà muốn bán hoặc đổi nhà bê tông. Nhưng, cũng có nhiều chủ
nhân lắc đầu từ chối mặc cho căn nhà xuống cấp.
Những ngôi nhà cổ độc tại khu bảo tàng nhà cổ duy nhất Việt Nam
Ngay ngôi nhà rường cổ 108 cột - nhà có
số cột gỗ nhiều nhất Việt Nam, được các kiến trúc sư của Đại học Nihon
và Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) xác định tuổi đời trên 200 năm, hai
cha con ông mất nhiều năm trời mới sở hữu được, với một điều kiện duy
nhất: phải cam đoan với chủ nhân ngôi nhà là sẽ lưu giữ nguyên vẹn ngôi
nhà trên chính mảnh đất Quảng Nam - ông Tăng kể.
Bây giờ, ngôi nhà rường cổ 108 cột ấy là
ngôi nhà độc nhất còn nguyên vẹn khi cha con ông Tăng đưa về bảo quản,
trùng tu và phục dựng - mà như lời ông bảo là dù có cả núi tiền cũng khó
xây được.
Hay, để có được ngôi
nhà tranh tre cổ nhất Việt Nam có tuổi đời trên 102 năm, hai cha con
ông cũng tốn rất nhiều công sức. Để thuyết phục gia chủ chuyển nhượng
căn nhà, ông Tăng mất 4 năm ròng đi về thuyết phục chủ nhân của nó.
Trong bộ sưu tập nhà cổ của cha con ông
Tăng hiện còn có những ngôi nhà cổ độc có tuổi vài trăm năm như nhà "ba
gian hai chái" của ngài Tôn Thất Đạm - một vị quan ở Huế ngày xưa; nhà
kiểu "bánh ú” đặc trưng ở Quảng Trị; nhà một gian hai chái ở Quảng Bình;
nhà lá mái một gian hai chái xứ Bình Định; nhà lục giác, tứ giác vùng
Nam Bộ; nhà ba gian hai chái dân dã vùng Bắc Bộ, hay nhà kiểu cổ lầu Bắc
Bộ.
Níu giữ di sản nhà Việt
Ông Tăng kể rằng từ năm 1997, ông bỏ
quan về làm thợ mộc, với khoảng 10 người thợ chủ yếu trùng tu nhà cổ.
Đến nay, sau 15 năm hoạt động, xưởng mộc giờ trở thành đại bản doanh sửa
chữa nhà cổ. Công ty của ông đã phục chế, trùng tu trên 1.000 căn nhà
gỗ truyền thống và hàng chục ngàn tác phẩm điêu khắc trên gỗ.
Tổng giám đốc công
ty là con trai đầu của ông, anh Lê Văn Vĩnh, cũng bắt đầu từ nghề thợ
mộc. Nối nghiệp cha, anh cũng có khát vọng dựng lên những căn nhà Việt
mang đậm bản sắc, dấu ấn cha ông.
Anh bắt đầu vạch ra lộ trình xây dựng
những căn nhà gỗ Việt cùng sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Và
khu vườn nhà cổ tại xã Điện Minh (huyện Điện Bàn) nối giữa hai miền di
sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, tọa trên diện tích hơn 11.000m2,
được quy hoạch xây dựng thành một bảo tàng nhà Việt Nam.
Ngoài ra, khu mỹ nghệ Viettown nằm tại
xã Điện Dương (huyện Điện Bàn) có diện tích 3.851 m2 hình thành là sự
kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và đương đại tạo ra một không gian
độc đáo, riêng biệt so với các khu phố cổ khác trên cả nước.
Đây là nơi trưng bày và giới thiệu các
mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo, tinh xảo của các nghệ
nhân làng nghề Việt Nam.
Phối cảnh khu vườn nhà cổ.
Ngoài ra, một khu làng nghề truyền thống
với diện tích 3.000 m2 được ập ra - là nơi hội tụ của hơn 300 nghệ nhân
mộc và chạm nổi của hai làng nghề Văn Hà và Kim Bồng nổi tiếng ở Quảng
Nam.
Đến bây giờ, khát vọng sưu tập, xây dựng
những ngôi nhà Việt độc đáo mới lạ của hai cha con ông Lê Văn Tăng đã
thành hiện thực. Tương lai không xa, những căn nhà Việt và sản phẩm làng
nghề truyền thống sẽ có mặt khắp nơi, ghi điểm với du khách trong và
ngoài nước về những không gian sống ấm cúng đậm đà bản sắc giữa chốn ồn
ào náo nhiệt thị thành.
Theo Vũ Trung
VEF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét