Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Núi đá Hà Giang

Núi đôi Cô Tiên.
Rừng thông Yên Minh.
Đồi Chín Khoanh.
Bản làng dưới thung lũng.
Cao nguyên đá Đồng Văn.
Những phụ nữ dân tộc.
Đồi cao Đồng Văn.
Phiên chợ Đồng Văn.
Cột cờ Lũng Cú.
Cột mốc biên giới.
Đèo Mã Pí Lèng.
Thị trấn Mèo Vạc.
Lê Toàn Thắng

Hà Giang hùng vĩ

Chúng tôi bị hút hồn bởi vẻ đẹp, khung cảnh vô cùng lãng mạn của núi đôi Cô Tiên và đón những tia nắng sớm của núi rừng Hà Giang. Bạn Lê Toàn Thắng chia sẻ. 

Tối thứ 6 cả đoàn tập trung tại Bến xe Mỹ Đình khoảng 9h tối trên chuyến xe Khải Huyền, rời Hà Nội để đến với Hà Giang. Đến khoảng 4h30 sáng thứ 7 đến thị xã Hà Giang, cả đoàn chuyển sang xe County Dũng Dung đã chờ sẵn.
Tờ mờ sáng thứ 7, chúng tôi xuất phát từ thị xã Hà Giang để đến với Quản Bạ. Trên đường đi các thành viên được trải nghiệm cảm giác bay trên mây với những khúc cua ngoằn nghèo của núi đồi Hà Giang.
Đến cổng trời Quản Bạ (cách thị xã Hà Giang 46 km), chúng tôi dừng chân và leo lên đỉnh đồi cao trên 1.100 m để ngắm cảnh núi rừng Hà Giang. Cũng ở nơi đây chúng tôi bị hút hồn bởi vẻ đẹp, khung cảnh vô cùng lãng mạn của núi đôi Cô Tiên (Fairy Bosom) và đón những tia nắng sớm của núi rừng Hà Giang trước khi nghỉ chân ăn sáng tại một thị trấn ven đường.
Điểm dừng chân tiếp theo là rừng thông Yên Minh cách Quản Bạ khoảng 50 km. Rừng thông ở đây rất đẹp và mát mẻ nơi mọi người có thể chụp hình và tận hưởng cảm giác trượt thông. Sau đó đoàn chúng tôi tiến thẳng về Yên Minh vào khoảng 12h30 để ăn trưa trước khi tiếp tục hành trình.
Trên đường đi, chúng tôi lại dừng chân ở giữa “Đồi Chín Khoanh” đây là một ngọn đồi khá cao và để qua được nó, chúng ta phải uốn lượn quanh đồi khoảng 9 lần tương ứng với 9 khoanh.

Điểm dừng chân tiếp theo Làng văn hóa ở xã Sủng Là. Nơi đây chúng tôi được một gia chủ người H’Mông tiếp đón rất nhiệt tình, được thưởng thức tiếng khèn của trai bản và ngắm những ngôi nhà vách đất đặc trưng của văn hóa Tây Bắc.
Đoàn lại tiếp tục qua đèo Na Khê – Sà Phìn để ghé thăm dinh vua Mèo Vương Chí Sình. Nơi đây là một dinh cơ khá đồ sộ đúng tầm của vương gia của núi rừng.
Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Le Toan Thang.
Rời dinh vua Mèo, chúng tôi thẳng tiến về trung tâm huyện Đồng Văn. Thuê nhà nghỉ ngơi và một nhóm nhỏ quyết định leo Đồi Cao để ngắm mặt trời lặn. Rồi trở về ăn tối và uống Café Phổ cổ.
Ngày hôm sau, sáng sớm tại Đồng Văn chúng tôi chia làm hai nhóm: Nhóm chăm chỉ dậy sớm tiếp tục leo lên đỉnh Đồi Cao để ngắm mặt trời mọc và toàn cảnh Đồng Văn vào sáng sớm, tại đây các bạn thu hoạch được khá nhiều tấm hình khá ấn tượng.
Nhóm lười biếng thức dậy muộn hơn. Ở nhóm này các trai bản dẫn gái xuôi đi chợ huyện uống rượu và ăn quà sáng. Mặc dù thấy nồi thắng cố thơm lừng mà không dám ăn, chỉ dám ăn bánh ngô nếp thơm dẻo lắm. Đặc biệt chợ huyện là biến rất nhiều trai gái dưới xuôi thanh các trai bản và gái núi nhờ khoác lên đầu chiếc mũ đen đặc trưng của người vùng cao.
Khoảng 9h sang, đoàn rời nhà nghỉ và tiến đến với cột cờ Lũng Cú, mọi người cũng hơi thất vọng vì đang trong quá trình cải tạo, nên khá ngổn ngang. Tuy nhiên các bạn cũng cố gắng để leo lên đến đỉnh mặc dù đã thấm mệt sau chuyến leo núi lúc sáng sớm.
Trên đường trở về, chúng tôi bắt gặp khá nhiều hình ảnh khá vui nhộn bên đường bởi các chú bé người dân tộc luôn nở nụ cười hiếu khách và vẫy tay chào, hình ảnh các cặp vợ chồng và các cô gái dân tộc đi chợ về rất vui vẻ.
Trở về Đồng Văn, chúng tôi nghỉ ngơi ăn trưa và háo hức để đến với Đèo gió Mã Pí Lèng và nhìn ngắm dòng sông Nho Quế và những cung đường uốn lượn quanh co.
Sau khi đã thỏa sức chụp hình tại nơi đây chúng tôi tiến thẳng về Mèo Vạc, một thị trấn nhỏ bao quanh bởi núi rừng mà không có thời gian để dừng lại, chỉ tranh thủ ghi lại một vài bức hình ngay trên xe.
Phần còn lại của hành trình về thị xã Hà Giang khá dài mà thời gian không còn nhiều nên chuyến xe chở đoàn di chuyển với tốc độ khá nhanh qua Yên Minh rồi đến thị xã Hà Giang vào khoảng 8h50 để kịp chuyến xe về Hà Nội lúc 9h tối. Chúng tôi lại lên chuyến xe Khải Huyền trở về Hà Nội vào khoảng 4h sáng để mọi người có thể bắt đầu một tuần làm việc mới.
Le Toan Thang
Một chuyến đi Hà Giang
Ngày 30 cả đoàn được đi trên con đường đèo uốn lượn, những vòng cua nhỏ sát ngay mép vực khiến các xế thả sức nghiêng mình nằm trọn trong vòng ôm của đèo. Bạn Đỗ Quang Trung viết về chuyến đi Hà Giang.
Nắng cứ chênh chếch xiên ngang, đèo với những con dốc cao vút giờ chỉ còn lại tiếng động cơ vang lên vỗ vồn vã vào đá.
Cái buổi trưa hôm ấy, tôi đi ra trước cửa nhà trọ và thấy một cậu bé. Tôi lại gần nói chuyện với em. Tôi hỏi em “Nhà em ở đâu? Trưa thế này sao không về ngủ?“. Em trả lời “Nhà em ở kia” rồi chỉ vu vơ về phía trước mặt. Tôi dẫn em vào trong nhà, thấy những người chủ nhà nhìn em một cách ái ngại. Cô chủ nhà lại gần tôi kể: “Bố mẹ nó bỏ nhau, mẹ bỏ vào Nam, bố đi lang thang. Nó đi quanh xóm ai có gì cho thì ăn, nó thường hay lấy đồ của khách du lịch".
Tôi thấy em ôm đầu ngồi bất động. Ở tuổi ấy, ai bắt em phải suy nghĩ nhiều đến thế? Và tôi hỏi em có muốn ăn kẹo không? Em trả lời có. Tôi liền chạy lên gác và đưa cho em cả 3 que kẹo. Nhìn em ăn, tôi hỏi “Có ngon không?”. Tôi thấy em cười. Em bảo em muốn uống nước. Tôi quay vào nhà. Trở ra với ly nước. Em uống nhanh, dường như sợ có ai đó cướp thứ đó từ trên tay em vậy. Tôi hỏi em có muốn gì nữa không? Em lắc đầu.
Trồng trọt trên núi đá. Ảnh: Đỗ Quang Trung.
Khi tôi vào ăn cơm, trở ra đã thấy em đi mất. Tôi không có gì để cho em ngoại trừ 3 thanh kẹo. Liệu tôi còn có thể làm gì cho em hơn thế khi mà người tạo ra em đã không thể cho em một cuộc sống đúng nghĩa?
Rời xa nơi ấy cùng với những hình ảnh về em, tôi lên đường đến Mèo Vạc, nơi tôi từng nghe trong bài hátCướp vợ của Ngũ Cung. Ngày hôm ấy là một chuyến đi vất vả. Một chiếc xe trong đoàn hỏng xăm và tôi xuất phát chậm 3h so với đoàn. Chúng tôi đánh vào những con đường đèo quanh co ánh đèn pha yếu ớt. Có những đoạn đường đang làm, tôi ngồi trên xe mà cảm giác lơ lửng tận nơi nào. Chạy suốt từ 7h sáng tới tận 10h đêm mới tới Mèo Vạc, người rã ra vì mệt. Cũng may, vừa hay đến Mèo Vạc thì xe tôi không còn một giọt xăng.
Cả đoàn đang đợi chúng tôi trên Khâu Vai và chúng tôi lại trở lên trên đó. Tắc đường, bởi hôm đó trên Khâu Vai tổ chức chợ tình. Tôi đến nơi ngồi cùng mọi người để biết rằng đoàn đã có mặt đông đủ. Rồi tôi lại đi để “xem thế nào là chợ tình?“. Hơi thất vọng bởi người Kinh lên đây nhiều quá, tôi cứ ngồi mãi ở một chỗ để có thể lưu lại được một bức ảnh về phiên chợ và cũng để nghe về cái phong tục của lễ hội này.
Cuối cùng tôi đem nỗi thất vọng trở về, tôi về khi cả đoàn đã gần ngủ hết và nhớ về món thắng cố. Tôi lại dậy đi tìm, một quán có cả thắng cố lẫn mèn mén. Vào quán, tôi xin phép nhập bàn cùng với hai người ngồi trước ở đó vì tôi đi có một mình, hỏi ra họ là người Tuyên Quang. Tôi nói chuyện với họ xung quanh món ăn và về chợ tình. Thắng cố nơi đây nấu không giống như những gì tôi đọc, tôi ăn thấy nó giống như giả cầy, còn mèn mén làm từ ngô chan nước thắng cố vào ăn, nó nhàn nhạt vữa vụn.
Sau bữa rượu, tôi định trở về phòng, trên đường về tôi thấy một chiếc chiếu vẫn đang trải và thắp những chiếc nến trên ấy. Tôi xin phép được ngồi cùng. Tôi hỏi anh về chợ tình. Anh bảo ngày này con trai con gái đi với một chiếc đèn pin, người con trai chủ động làm quen. Khi người con gái đồng ý, người con gái sẽ dẫn người con trai đi đến một nơi nào đó, họ nói chuyện với nhau. Nếu một trong hai đã có vợ hoặc có chồng thì họ sẽ là bạn, còn nếu không họ sẽ tiếp tục làm quen với nhau.
Khi anh bảo sắp dọn chiếu, tôi trở lên khu nghỉ thiếp đi với giấc mơ mộng mị đêm chợ tình.
"Đâu rồi thời rung reng vòng bạc lắc đồng?
Em kìa, những cây sa mộc lặng lẽ trong thung
Chúng đang nghĩ gì?
Em đang nghĩ gì?".

(Chợ tình Khâu Vai - Trần Hòa Bình)
Đến Đồng Văn, tôi vào một khu chợ, dựng xe và tôi thấy một vài người đàn ông đang uống rượu. Tôi hỏi người đang chế biến món ăn và được biết đây là món thắng cố. Tôi vào và gọi 2 lạng thắng cố. Như tôi được biết thắng cố làm trong dịp lễ bảo vệ thần rừng của dân tộc H’Mông, người ta cắt lấy đầu để thờ và cho nội tạng của những con vật như trâu, bò, lợn, ngựa vào chung trong một nồi. Nhưng thắng cố ở đây khác, thắng được chế biến từ một con duy nhất. Hôm đó, món tôi ăn được chế biến từ thịt bò, họ nướng sau đó để trên một chiếc bàn. Ai ăn, họ cắt ra cân, cho vào nồi trần qua, múc ít nước đổ vào bát. Đó là thắng cố ở Đồng Văn.
“Vị núi, hương đèo, xuân gia vị
Khí trời, nghĩa đất, thắng cố đây!”.
Tôi biết sẽ là không bao giờ đủ khi nói về một chuyến đi như thế. Nhưng quan trọng là tất cả chúng ta đã quay trở về. Chúng ta đã gặp nhau, đã cười, đã vui vẻ quây quần bên những bữa ăn và ngủ chung trong những gian nhà như thế.
Bởi vậy, tôi và bạn hãy cùng nhau mơ về những chuyến đi…
Đỗ Quang Trung
Những gương mặt vùng cao
Tương lai của đất nước.
Em bé kéo lê chiếc cuốc trên con đường nhựa thô cứng.
Nụ cười thiên thần giữa núi rừng.
Con đường đèo từ Đồng Văn lên Lũng Cú.
Nụ cười mộc mạc của sơn nữ.
Người phụ nữ trên cao nguyên đá.
Sắc màu chợ tình Khâu Vai.
Mong cho được một can nước đầy.
Căn nhà bình yên trong lòng núi.
Đường từ Mèo Vạc xuống thủy điện Nho Quế 1.
ẢnhĐỗ Quang Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét